Mùa đại hội cổ đông đang vào giai đoạn nước rút trong tuần cuối tháng 4, riêng lĩnh vực ngân hàng có đến 20 đơn vị phải tổ chức đại hội trong tuần này trước khi tháng 4 kết thúc. Tính đến 24/4 đã có 24 ngân hàng tổ chức đại hội cổ đông.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của các ngân hàng, năm 2018 được nhiều đơn vị đánh giá là năm hoạt động thành công kỷ lục khi tăng trưởng lợi nhuận ít nhất 50%, có đơn vị tăng trưởng gần gấp đôi.
Thống kê từ hệ thống FiinPro cho thấy năm qua có 6 ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận trên 50%. Trong đó VCB tiếp tục giữ vai trò đầu ngành với lợi nhuận trước thuế 18.016 tỷ đồng, tăng 63,5% so với năm 2017. Đây là mức tăng trưởng cao nhất nhiều năm qua.
Tương tự, Ngân hàng Quân đội (MBBank) cũng có tăng trưởng mạnh mẽ 68,3% lên mức 7.767 tỷ đồng. Trong khi đó Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) đạt lợi nhuận trước thuế 2.258 tỷ đồng, cao hơn gần gấp đôi so với năm 2017.
Cũng thuộc nhóm nhân đôi lợi nhuận, Ngân hàng Quốc Tế Việt Nam (VIB) ghi nhận lãi trước thuế hơn 2.700 tỷ, tăng 95% so với năm 2017. Đây là năm thứ hai liên tiếp lợi nhuận của tổ chức này tăng trưởng gấp đôi, giúp lợi nhuận tăng gấp 4 lần trong hai năm.
Còn Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) đón nhận mức lợi nhuận trước thuế cả năm vượt 4.005 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và tăng 65,7% so với năm 2017. Hoạt động dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, khi đạt mức lãi thuần 438 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2017. Tổng thu nhập hoạt động là 9.438 tỷ đồng, cao 25,7% so với năm trước.
Tại đại hội cổ đông của HDBank diễn ra vào 23/4, ông Nguyễn Văn Dũng - Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước TP HCM ghi nhận nhiều điểm tích cực nổi bật của HDBank trong năm qua.
Trước hết, các chỉ tiêu hoạt động tăng giảm theo chiều hướng tích cực, phù hợp định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó quy mô ngân hàng khá lớn. Nếu xét quy mô tổng tài sản, huy động và cho vay của 12 ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại TP HCM thì HDBank xếp vị trí thứ tư; còn xét về kết quả kinh doanh thì đơn vị giữ vị trí thứ hai.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng đã thực hiện tốt các tiêu chí an toàn hoạt động, công khai minh bạch thông tin thông qua việc niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 1/2018, có những bước chuẩn bị chủ động nhằm hướng tới triển khai Basel II trong năm nay.
"Trong thời gian gần đây, với lợi thế khách hàng đông đảo, ngân hàng đã triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích, phát huy chủ trương, định hướng của Ngân hàng Nhà nước, điển hình là chương trình tín dụng xanh đạt kết quả tốt", ông Nguyễn Văn Dũng đánh giá.
Bội thu từ dịch vụ, mảng bán lẻ cũng là động lực tăng trưởng chính của nhiều ngân hàng trong năm vừa qua. Ngoài ra nỗ lực tái cơ cấu nợ xấu, củng cố năng lực quản trị điều hành, nâng cao chất lượng tài sản cũng giúp các ngân hàng ghi nhận kết quả khả quan.
Cho năm 2019, khảo sát của Vụ Dự báo thống kê - Ngân hàng Nhà nước cho thấy có 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2018 trong đó có khoảng 35% tổ chức dự báo tình hình kinh doanh sẽ cải thiện nhiều.
Khánh Anh