Luật EB-5 quy định về việc định cư tại Mỹ thông qua các chương trình đầu tư dự án. Đây cũng là cách nước Mỹ thu hút đầu tư nước ngoài. Gần 10 năm trước, chương trình này hầu như không được quan tâm bởi quy định khắt khe của cơ quan Di trú. Nhưng hiện nay, số người có nhu cầu tìm hiểu và muốn định cư ở Mỹ có xu hướng gia tăng.
Ông Trần Văn Tỉnh, Chủ tịch HĐQT IMM Group chia sẻ với VnExpress lý do nhà đầu tư Việt Nam chú ý nhiều hơn tới việc định cư theo diện đầu tư và những lưu ý khi quyết định chọn cách này để có tấm vé thông hành vào Mỹ.
- Ông đánh giá mức độ quan tâm của người Việt hiện nay tới chương trình đầu tư định cư Mỹ như thế nào?
- Những năm trước, chương trình EB5 chưa phổ biến, gần như không ai biết nó là gì. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cụm từ "đầu tư định cư Mỹ" xuất hiện phổ biến hơn, được nhiều người tìm hiểu hơn, thể hiện qua số người Việt tìm tới các công ty nhờ tư vấn tăng lên.
Ví dụ ở công ty tôi, từ đầu năm tới nay, lượng người tìm đến bày tỏ nguyện vọng tìm suất sang Mỹ theo diện EB5 tăng hơn 50% so với cả năm ngoái và tăng 300% so với cách đây 2 năm. Đó là chưa kể nhiều công ty du lịch, tư vấn du học cũng nhảy vào thị trường này và đưa ra các kế hoạch kinh doanh nhằm thu hút khách hàng. Bảy năm trước, lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay thì hiện nay tăng gấp nhiều lần. Ngoài ra còn có nhiều luật sư Việt kiều Mỹ về Việt Nam đặt vấn đề hợp tác với các công ty tư vấn trong nước.
- Đâu là nguyên nhân chính khiến nhiều người tìm hiểu hình thức định cư ở Mỹ theo kiểu rót vốn đầu tư, thưa ông?
- Khoảng 3 năm trước, thị trường Mỹ kém hấp dẫn hơn so với Canada, Australia. Đầu tư ở Canada khi đó chỉ cần mức khởi điểm 400.000 CAD. Khoản tiền này mang tính chất cho Chính phủ mượn trong một khoảng thời gian nhất định, được hoàn lại sau 5 năm. Còn tại Australia, bạn cần đầu tư 750.000 AUD vào trái phiếu Chính phủ và được đảm bảo có lãi hàng năm 3,5-6%. Ở 2 thị trường này, độ an toàn của dòng vốn được đảm bảo bởi Chính phủ đứng ra bảo lãnh.
Tuy nhiên, hiện nay, 2 nước siết lại điều kiện xin visa thường trú nhân, như: diện đầu tư tăng gấp đôi khoản tiền phải đầu tư so với trước, xét duyệt hồ sơ nghiêm ngặt hơn. Diện doanh nhân thì việc đầu tư không bắt buộc ngay từ đầu nhưng phải thực hiện kinh doanh như là điều kiện ràng buộc sau khi có được visa.
Độ khó của 2 thị trường này tăng lên và khi đó, chương trình EB-5 có tính cạnh tranh hơn. Thị trường Mỹ không yêu cầu kinh nghiệm quản lý, không yêu cầu có doanh nghiệp, không giới hạn độ tuổi hay ngoại ngữ..., nhưng phải có khoản tiền 500.000 USD để rót vào một dự án ở Mỹ (vào những vùng đã được chỉ định đầu tư) và chứng minh nó tạo ra 10 việc làm cho người bản xứ.
Chính phủ Mỹ đưa ra hạn mức 10.000 visa một năm dành riêng cho EB-5 nhưng từ trước tới nay chưa có năm nào đạt được. Tuy nhiên, lượng hồ sơ xin thẻ xanh có điều kiện được chấp thuận tăng dần qua các năm (2010: 1.369 hồ sơ, 2012: 1.563; 2013 là 3.677, theo Bộ Di trú Mỹ). Mong muốn chứng kiến con cái lớn lên tại nơi có nền giáo dục và môi trường phát triển, sớm đoàn tụ với người hoặc tận dụng những lợi thế kinh doanh khi có thẻ xanh trong tay là lý do chính mà nhiều người, trong đó có người Việt tìm cách định cư ở nước ngoài.
- Trong tất cả những yêu cầu cần thiết để đầu tư định cư Mỹ, theo ông đâu là khâu gây ách tắc nhiều nhất cho nhà đầu tư Việt Nam hiện nay?
- Theo thông tin tôi nắm, năm 2013, Việt Nam mới có khoảng 60 hồ sơ đạt yêu cầu nhận thẻ xanh có điều kiện.
Cái khó nhất của nhà đầu tư Việt Nam hiện nay là chứng minh tính minh bạch của số tiền 500.000 USD sẽ dùng để đầu tư vào dự án ở Mỹ. Nhiều trường hợp bỏ hẳn ý định vì không cách nào thu thập đủ thông tin để trình bày cho Chính phủ Mỹ hiểu rõ ngọn nguồn khoản tiền này. Có khách hàng là đại gia ở TP HCM thừa sức chi gấp hàng chục lần số tiền này nhưng ông không cho thấy trên giấy tờ 500.000 USD đó là do nguồn thu từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà ông làm chủ mang lại. Hay một chị thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi ngày từ cửa hàng điện tử ở quận 5 song không có gì xác minh đây là sự thật. Hóa đơn từ cơ quan thuế cũng vô hiệu bởi không được phía Mỹ chấp thuận. Trường hợp này đòi hỏi sự vào cuộc của phía luật sư, công ty kiểm toán... nên chỉ riêng khâu hoàn tất hồ sơ ban đầu chuyển cho công ty tư vấn đã mất vài tháng.
- Nếu chứng minh rõ nguồn gốc số tiền này thì công đoạn chuyển tiền sang dự án ở Mỹ sẽ thực hiện như thế nào, khi luật ở Việt Nam chưa cho phép cá nhân tự do chuyển tiền ra nước ngoài?
- Theo đúng quy định, cá nhân muốn chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài cần có giấy phép đầu tư ra nước ngoài của Bộ KH-ĐT, sau đó Ngân hàng Nhà nước sẽ xác nhận tiến độ chuyển tiền ra nước ngoài và ngân hàng thương mại căn cứ theo đó thực hiện. Tuy nhiên, quá trình quá nhiêu khê và sau 8 năm hoạt động, công ty tôi chưa có một hồ sơ nào chuyển tiền thành công theo hình thức này.
Lý do vì sau khi nộp hồ sơ lên Bộ KH-ĐT xin giấy phép đầu tư, phía Bộ yêu cầu phải có xác minh bên Tham tán lãnh sự ở nơi có dự án của nhà đầu tư. Khi Tham tán lãnh sự của Việt Nam tại Mỹ kiểm tra xong sẽ phải hợp thức hóa giấy tờ lãnh sự. Toàn bộ giấy tờ này mang sang Mỹ để đóng dấu rồi đem về Sở Ngoại vụ đóng thêm dấu nữa mới được công chứng và dịch. Hồ sơ sau đó mới nộp lên Bộ KH-ĐT và chờ đợi kết quả (có khi mất nửa năm, trong khi dự án chỉ chờ nhà đầu tư 1-2 tháng).
Hiện nay, công ty tôi ưu tiên những trường hợp có bạn bè, người thân ở các nước khác và nhờ họ thực hiện chuyển tiền hộ sang Mỹ. Nguyên nhân do nhiều nước khá thoáng khi cho phép công dân tự do chuyển tiền ra nước ngoài. Trường hợp này, thủ tục thực hiện cũng không dễ dàng gì vì vẫn phải chứng minh nguồn gốc nguồn tiền, mối quan hệ của nhà đầu tư với người chuyển hộ ở nước khác..., nhưng rõ ràng khả thi và nhanh hơn cách trên.
- Ông nghĩ sao khi có một số nhà đầu tư chuyển tiền đầu tư này qua các hợp đồng khống, hoặc ăn theo hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam để hợp thức hóa việc chuyển tiền?
- Công ty tôi cũng có vài khách hàng có hợp đồng xuất khẩu thật. Thay vì công ty mua hàng phải thanh toán lại cho nhà đầu tư bằng cách chuyển tiền về Việt Nam thì họ có thể yêu cầu công ty mua hàng trích ra một phần chuyển sang dự án Mỹ. Khoản mượn trước này, nhà đầu tư sẽ tự bỏ tiền túi ra trả lại cho công ty bằng tiền VND.
Tôi cũng có biết một số trường hợp tìm mọi cách để chuyển cho bằng được tiền sang nước ngoài, kể cả việc làm hợp đồng khống. Điều này trái luật, nếu xét ở khía cạnh pháp luật Việt Nam. Chương trình EB-5 truy vấn gắt gao nguồn gốc khoản đầu tư nên để chứng minh rõ tính hợp pháp của số tiền, các mối liên hệ đan xen nhau... để đúng với quy định của Mỹ sẽ là thách thức không nhỏ với những người muốn qua ải xét duyệt của cơ quan Di trú bằng hợp đồng khống.
- Ông có lời khuyên gì cho những người muốn định cư thông qua hình thức đầu tư tại Mỹ?
- Quan trọng nhất là không nên phó thác mọi vấn đề cho công ty tư vấn. Nhà đầu tư cần biết về dự án mà mình sẽ rót vốn. Hãy bằng mọi cách khác nhau (đọc kỹ tài liệu dự án, thuê công ty dịch vụ thực hiện việc thẩm định, sang Mỹ, tìm hiểu qua bạn bè, người thân ở Mỹ, đọc kỹ các điều luật ở Mỹ...) để kiểm tra dự án đó như thế nào, khả năng hoạt động ra sao, phương án hoàn vốn tới đâu...
EB-5 phù hợp với các đại gia hơn vì tài chính của cá nhân phải dư dả để tránh rủi ro có thể xảy ra như: dự án bị phá sản, bị lỗ, không tạo ra đủ việc làm theo yêu cầu. Khi đó, việc đầu tư bị đình trệ, tiền không thu về lại được mà thẻ xanh cũng chẳng có.
Mục đích chính của chương trình không phải mang lại cơ hội đổi đời, giàu sang phú quý nhờ những khoản lãi kếch sù từ việc mang tiền đi đầu tư sang Mỹ như nhiều người Việt lầm tưởng. Những dự án này mang lại lãi suất thấp, thường không quá 3% một năm. Nó đơn thuần giúp cho các dự án ở Mỹ có thêm vốn để triển khai, họ được tiếp cận vốn vay lãi suất thấp, tạo ra công ăn việc làm cho người bản xứ, chứ không tạo điều kiện cho những đối tượng nhập cư làm giàu nhanh chóng.
Quan điểm đầu tư của người Việt cũng đặc biệt hơn so với các nước. Họ thường chuộng những dự án bất động sản ở Mỹ vì cho rằng dù có phá sản đi nữa cũng còn tòa nhà, hạng mục công trình, hạ tầng... gỡ gạc để lấy lại chút đồng vốn. Thực chất, lĩnh vực này không phải lúc nào cũng an toàn và hấp dẫn mà khủng hoảng kinh tế 2008 kéo theo sự xuống dốc của nhà đất Mỹ là ví dụ.
Ông Trần Văn Tỉnh là Chủ tịch Công ty IMM Group (cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực di trú thương mại, đầu tư) có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn đầu tư, xúc tiến thương mại, dẫn dắt công ty trở thành đối tác ủy thác, độc quyền của các công ty luật, thương mại ở Mỹ, Australia, Canada, Singapore... |
Thu Ngân