5 doanh nghiệp Việt xuất 100 container hạt điều sang Italy nhưng trong quá trình làm việc với đối tác nhập khẩu, họ phát hiện nhiều dấu hiệu bị lừa đảo. Trong đó, 36 chiếc bị mất các bộ chứng từ gốc. Doanh nghiệp Việt chưa nhận được tiền, còn người mua, bằng cách nào đó, đã lấy được bộ chứng từ gốc.
Sau 3 lần can thiệp kịp thời, đến nay, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy cho biết, đã giữ được 16 container trong số 36 chiếc này, tại Singapore và Italy.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy, khi thương vụ tới cảng Genova đã phát hiện có người đã trả phí cảng và nộp bộ chứng từ gốc để đòi nhận những container hạt điều của Việt Nam vừa cập cảng. Chiếu theo Luật Thương mại quốc tế, hãng tàu phải giao hàng cho người nhận có bộ chứng từ gốc, nếu không sẽ bị kiện. Sau khi được thương vụ giải thích, hãng tàu đồng ý dừng ngay việc giao lô hàng. Theo ông Thanh, nếu xử lý chậm một chút, người cầm bộ chứng từ gốc có thể thông quan nhận hàng của Việt Nam mà không trả tiền.
Tại Việt Nam, Thương vụ đề nghị Hiệp hội Điều Việt Nam và doanh nghiệp làm việc để Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Tòa Kinh tế TP HCM ra phán quyết khẩn cấp yêu cầu các hãng tàu dừng giao hàng đã đến cảng Italy cho người có chứng từ gốc.
Ước tính thiệt hại số lô điều này khoảng 162 tỷ đồng. Hiện còn 20 container điều vẫn mất kiểm soát sẽ cập cảng cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2022. Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu có 2 container hạt điều đã cập cảng tại Italy và được hỗ trợ giữ lại tại đây cho biết, chỉ được tạm phong tỏa khoảng 2 tuần và họ chưa biết phải xử lý lô hàng này thế nào.
Theo doanh nghiệp này, phía ngân hàng Italy được người mua chỉ định xác nhận chỉ nhận được bộ chứng từ photocopy nên không thể giải quyết. Hãng tàu yêu cầu đặt cọc khoản tiền gấp đôi giá trị lô hàng trong 6 năm mới có thể giải phóng hàng. Đây là khoản tiền lớn và thời gian cược quá dài nên doanh nghiệp không chấp nhận.
Các doanh nghiệp xuất khẩu phát hiện nhiều dấu hiệu lừa đảo trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ. Theo hướng dẫn của bên mua, số Swift (mã riêng của từng ngân hàng được sử dụng trong các giao dịch liên ngân hàng trên toàn cầu), bị thay đổi nhiều lần.
Sau khi ngân hàng bên mua nhận chứng từ, đối tác mua hàng lại thông báo không đúng thông tin của họ, yêu cầu trả lại bộ chứng từ, nhưng lại không ghi rõ trả theo hình thức nào dù phía ngân hàng Việt Nam đã nhiều lần liên hệ.
Một số hợp đồng khác được phía ngân hàng Italy thông báo là hồ sơ gửi chỉ là bản photo, không phải bản gốc, thậm chí là giấy trắng. Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam rất lo lắng vì không biết hồ sơ gốc các lô hàng ở đâu trong khi bất kỳ ai có hồ sơ gốc này cũng có thể đến hãng vận chuyển nhận hàng.
Thông thường, các doanh nghiệp xuất khẩu điều làm hồ sơ thanh toán bằng phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment - D/P). Đây là hình thức mà bên nhập khẩu chỉ lấy được bộ chứng từ khi đã chuyển vào ngân hàng đủ. Nhưng rủi ro ở đây là bên bán, các doanh nghiệp, thông qua ngân hàng mới khống chế được quyền định đoạt hàng hóa, chứ chưa thực sự khống chế được việc trả tiền của người mua. Người mua có thể kéo dài việc trả tiền bằng cách chưa nhận chứng từ hoặc có thể không nhận hàng khi tình hình thị trường bất lợi với họ. Do đó, quyền lợi của bên bán vẫn chưa thực sự được đảm bảo.
Quyền kiểm soát lô hàng đang thuộc về hãng tàu, nhưng thực tế các doanh nghiệp không thể liên hệ trực tiếp với họ mà chỉ làm việc thông qua các đại lý. Thông tin đại lý cho biết là hãng tàu chỉ làm theo thông lệ quốc tế, tức trả hàng cho người có bộ chứng từ gốc.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương chia sẻ, theo Luật Hàng hải Việt Nam (tương đương thông lệ quốc tế), hàng hóa đã lên tàu thì quyền quyết định cao nhất thuộc về hãng tàu. Việc can thiệp trực tiếp lên hãng tàu rất khó, trừ khi có các phán quyết của cơ quan có thẩm quyền. Doanh nghiệp cần tham vấn luật sư có kinh nghiệm về thương mại quốc tế để được hướng dẫn các thủ tục pháp lý.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Mỹ), cũng thông tin đã làm việc với người môi giới xuất khẩu lô 100 container sang Italy là đại diện Công ty Kim Hạnh Việt.
Theo giải trình của người này, công ty Kim Hạnh Việt môi giới cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu 100 container hạt điều đi Italy, trong đó có 36 container bị mất bộ chứng từ gốc có khả năng bị lừa đảo. Người này nói cũng không biết công ty mua hàng mà chỉ làm việc qua một người môi giới khác tại Italy.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Công ty Kim Hạnh Việt đang mong muốn hỗ trợ giải quyết vụ việc để giảm thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nói sẽ tiếp tục huy động các thương vụ, đại sứ Việt Nam giúp doanh nghiệp tạm giữ được lô hàng tại cảng đến. Tuy nhiên, khả năng giải quyết triệt để vụ việc lại không thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương mà liên quan đến nhiều bộ, ngành khác và cả cơ quan chức năng Italy.
Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị hiệp hội và doanh nghiệp chủ động làm việc với các Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề hãng tàu, Bộ Công An và Cảnh sát quốc tế để hoàn thiện hồ sơ điều tra hoặc khởi kiện vụ việc.
Thi Hà