Doanh thu trung bình hàng tháng của mỗi nhà thuốc An Khang đang dao động 400-450 triệu đồng. Thuốc đóng góp 60% trong số này. Phần còn lại đến từ thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế, mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Ban lãnh đạo chuỗi này đang có kế hoạch nâng doanh số bình quân mỗi nhà thuốc lên 600 triệu đồng một tháng và tăng số lượng nhà thuốc lên 800 để hoàn thành mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng vào cuối năm nay.
"Tốc độ mở chuỗi đang vượt qua kỳ vọng ban đầu của ban lãnh đạo", ông Hiểu Em nói, đồng thời tin tưởng chuỗi nhà thuốc này không chỉ hòa vốn mà còn có lãi.
Năm ngoái, Thế Giới Di Động không công bố số liệu doanh thu riêng của nhà thuốc An Khang mà chỉ cho biết chuỗi này gộp cùng nhiều dịch vụ khác như trả góp, thu hộ, kinh doanh thiết bị điện tử cũ chiếm 5% tổng doanh thu của tập đoàn. Đối với 2022, nếu hoàn thành mục tiêu 2.000 tỷ đồng, An Khang sẽ đóng góp 1,5% vào tổng doanh thu của tập đoàn.
An Khang tiền thân là nhà thuốc Phúc An Khang, được Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) mua lại năm 2017. Suốt 4 năm sau đó, Thế Giới Di Động không phát triển mạnh mảng dược phẩm vì tập trung cho nhiều mảng kinh doanh khác. Từ cuối năm ngoái, nhà bán lẻ điện thoại và điện máy lớn nhất cả nước mới bắt đầu dồn lực cho dược phẩm và thực sự tăng tốc.
Sáu tháng đầu năm nay, An Khang mở 340 điểm bán mới. Chuỗi này tính đến hôm nay có tổng số 518 cửa hàng, vượt xa mục tiêu "cán mốc 400 cửa hàng trước quý III" đề ra hồi đầu năm. Sau khi công bố mục tiêu mới là cuối năm nay có 800 cửa hàng, An Khang đặt thêm kế hoạch nâng lên 2.000 cửa hàng vào cuối năm sau.
"Diện tích một nhà thuốc chỉ 30-60 m2, không lớn như cửa hàng Thế Giới Di Động hay Điện Máy Xanh nên việc tìm mặt bằng khá đơn giản. Hơn nữa, chúng tôi có kinh nghiệm, hiểu ngành bán lẻ, năng lực tài chính, nhân sự... nên không thấy khó khăn gì lớn trong việc phát triển chuỗi này", ông Hiểu Em nói.
Theo ông Hiểu Em, nhà thuốc An Khang đang phân bổ chủ yếu từ Khánh Hòa trở vào miền Nam. Chuỗi này dự kiến trong những tháng tới sẽ phát triển ra nhiều tỉnh, thành phố lớn ở miền Trung và miền Bắc để đến khi chạm mốc 2.000 cửa hàng cũng bao phủ khắp cả nước.
Người đứng đầu chuỗi này ước tính thị trường bán lẻ dược phẩm ở Việt Nam có quy mô 7-8 tỷ USD và số lượng điểm bán khoảng 60.000. Kênh bệnh viện và nhà thuốc nhỏ có số lượng áp đảo, trong khi chuỗi nhà thuốc hiện đại mới chiếm khoảng 5% nên dư địa phát triển còn rất lớn.
Ông Hiểu Em cho biết An Khang chưa có ý định làm nhãn hàng riêng như các đối thủ hay nhượng quyền. "Bận tâm lớn nhất của tôi lúc này là tăng số lượng cửa hàng, tăng doanh thu và hòa vốn cuối năm nay. Những cái khác chưa phải lúc", ông nói.
Phương Đông