Theo SCMP, ngày nay, từ "quý tộc" mang nhiều ý nghĩa với từng đối tượng khác nhau. Ở phương Tây, điều này có thể mang hơi hướng hoài cổ nhưng với nhiều nơi ở Trung Quốc, "quý tộc" chứa đựng những tham vọng lớn của các phụ huynh.
Năm 2017, Sara Jane Ho, người sáng lập một trong những trường dạy nghi thức đầu tiên tại Trung Quốc - Institute Sarita cho biết, hàng tuần tại đây tổ chức các khóa học cho giới nhà giàu Trung Quốc, mỗi khóa trị giá 10.000 USD. Tại đây, khách hàng được dạy làm thế nào để phát âm tên các thương hiệu xa xỉ chính xác hay đơn giản như cắt chuối bằng dĩa... Hiện tại, nhu cầu với các khóa học này còn tăng mạnh hơn rất nhiều hai năm trước.
Hồi tháng 9, Tian Pujun, vợ của nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc Wang Shi đã lọt top tìm kiếm hàng đầu trên mạng xã hội Weibo khi bài báo "Ba thế hệ tạo nên một quý tộc" được đăng trên một tạp chí nổi tiếng Trung Quốc. "Tôi nghĩ Trung Quốc thiếu giáo dục tốt khi hầu hết đều có kiến thức nhưng không có văn hóa", bà chia sẻ trong bài báo.
Tian cũng là nhà sáng lập Chengli Academy – một trường dạy các kỹ năng như cử chỉ trên bàn ăn, cưỡi ngựa và quản lý tài sản cho giới siêu giàu Trung Quốc. Học viện này thường xuyên tổ chức các chuyến đi để kết nối giới nhà giàu Trung Quốc với quý tộc Anh và các gia đình giàu có tại Mỹ như Rockefeller. Học phí hàng năm của Chengli Academy có thể lên đến 140.000 USD.
Tại các gia đình có thu nhập hàng đầu Trung Quốc, việc trẻ em học cưỡi ngựa hay lái thuyền ngày càng trở nên phổ biến. Các bữa tối trên du thuyền cũng thường được nhắc đến trong câu chuyện của giới nhà giàu hơn, dù Trung Quốc trước đây không có truyền thống này. Nhu cầu du lịch xa xỉ của họ tới những nơi như Paris, London cũng tăng cao hơn vài năm gần đây.
Guillaume Rué de Bernadac là một trong những giáo viên nổi tiếng nhất tại Trung Quốc, với các bài giảng về cư xử đẳng cấp và phép xã giao. Ông cho biết, học viên của mình chủ yếu là phụ nữ 25–50 tuổi, hiện đại, vui vẻ và ham học hỏi.
Ba khóa học bán chạy nhất của Guillaume Rué de Bernadac là cư xử trên bàn ăn, cách đi đứng và tạo dáng chụp ảnh. Do nhu cầu lớn, gần đây, ông ra mắt chương trình chỉ 3 ngày dạy làm thế nào đi đứng với tư thế đĩnh đạc, kết hợp với mũ, trang sức phù hợp và diễn tốt trước ống kính. Hiện tại, khóa học này có giá 990 USD. Bên cạnh đó, ông cũng phối hợp với các thương hiệu xa xỉ như Cartier và Gucci để dạy cho các khách hàng Vip của họ.
Rué de Bernadac cho rằng, nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng xuất phát từ mong muốn thích nghi với xã hội toàn cầu hơn là "ăn theo" phương Tây. "Khách hàng của tôi rất tự hào vì quốc gia và dân tộc của họ. Tuy nhiên, họ cũng muốn cảm thấy tự tin, phù hợp với một môi trường toàn cầu và làm người khác cảm thấy thoải mái", ông nói.
Nhà sáng lập hãng tư vấn Yingfluencer, Yingying Li cho biết, trào lưu trên của người Trung Quốc có thể giải thích bằng tháp nhu cầu của Maslow – một lý thuyết tâm lý đánh giá các nhu cầu cần thiết của con người. Bà cho rằng, người Trung Quốc đang ở mức "cần được tôn trọng". Theo bà, ở các quốc gia phát triển như Mỹ đã qua mức độ này để chuyển sang giai đoạn phục vụ đời sống tinh thần.
"Những điều này có thể lý giải vì sao du khách Trung Quốc đến California hiện sẽ được đưa đi thăm thung lũng rượu vang Napa. Điều trước đây chưa xảy ra. Còn người phương Tây đang chi tiêu nhiều hơn cho các lĩnh vực về thiền hay tĩnh tâm", bà Yingying Li nói.
Còn SCMP đánh giá, mục đích cuối cùng khiến giới nhà giàu Trung Quốc chi tiêu mạnh tay để học cách ứng xử phương Tây là để trở thành một công dân toàn cầu và tinh tế.
Tú Anh (theo SCMP)