Theo nghiên cứu kéo dài nhiều năm của tập đoàn tài chính Thụy Sĩ này, các hộ gia đình Trung Quốc còn che giấu khoảng 9.300 tỷ nhân dân tệ, tương đương 1.400 tỷ USD không được công bố trong báo cáo thu nhập cá nhân.
Số tiền khổng lồ này, chủ yếu bất hợp pháp hoặc hợp pháp nửa vời, tương đương với 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn đất nước Trung Quốc. Hầu hết tài sản ngầm nằm trong túi các gia đình giàu. Nhóm 20% dân số giàu nhất sở hữu tới 81,3% của con số 1.400 tỷ USD.
Một hãng tư vấn đánh giá Trung Quốc sẽ trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2015. Ảnh: psfk.com |
Credit Suisse còn khẳng định thêm một sự thật khác rằng Trung Quốc là một trong những nước có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới, cao hơn nhiều so với công bố chính thức. Nhóm 10% dân số giàu nhất có thu nhập bình quân đầu người 97.000 nhân dân tệ, tương đương 14.280 USD, cao gấp 65 lần so với nhóm 10% nghèo nhất. Trong khi đó báo cáo từ Cục thống kê Trung Quốc đưa ra tỷ lệ chỉ 23 lần.
Nhu cầu xe sang tăng vọt tại Trung Quốc trong thời gian gần đây. Ảnh: egmcartech.com |
Báo cáo của Credit Suise cũng cho rằng người Trung Quốc giàu hơn nhiều so với tính toán của Cục Thống kê nước này. Credit Suisse ước tính thu nhập bình quân hộ gia đình tại thành thị nước này là 32.154 nhân dân tệ, tương đương 4.730 USD, cao hơn 90% con số chính thức mà Chính phủ Trung Quốc từng công bố. Đây là lý do giải thích phần nào làn sóng đổ tiền vào hàng xa xỉ tại quốc gia này thời gian gần đây.
Thương hiệu thời trang xa xỉ Gucci năm ngoái mở một cửa hàng mới ở thành phố Thạch Gia Trang thuộc tỉnh Hà Bắc. Tại cửa hàng này, riêng một chiếc ví da rắn nhỏ đã có giá lên tới 4.000 USD, gấp đôi thu nhập bình quân đầu người của thành phố. Còn hãng xe sang Đức BMW vừa công bố doanh thu tăng 82% so với trước đó một năm, bán được 13.852 chiếc xe chỉ trong tháng 7/2010.
Số liệu thu nhập do Credit Suisse công bố cao (màu đỏ) cao hơn nhiều so với số liệu chính thức. Ảnh: Credit Suisse |
"Thu nhập ngầm" đến từ nhiều nguồn, trong đó có quà tặng cho lãnh đạo trong đám cưới của con cháu, quà biếu sếp, thao túng thị trường chứng khoán, lợi nhuận từ chuyển nhượng đất đai hay lót tay trong các dự án xây dựng, báo cáo của Credit Suisse viết.
Nhiều khối tài sản ngầm chỉ lộ ra khi quan chức bị bắt giữ vì tội tham ô, nhận hối lộ. Khi Hao Pengjun, một quan chức ngành khai mỏ tỉnh Sơn Tây bị xét xử hồi tháng 4 vừa rồi, người ta mới ngã ngửa khi thấy ông này quá giàu, với 305 triệu nhân dân tệ (44,8 triệu USD) nhận hối lộ, 35 bất động sản ở Bắc Kinh, theo tờ Sơn Tây buổi tối. Nhân dân Nhật báo cho biết ông này bị kết án 20 năm tù giam.
Thanh Bình (theo Bloomberg)