Các ngân hàng đang tràn ngập đề nghị từ các nhà đầu tư Hong Kong, những người lo lắng về bất ổn chính trị ở đặc khu trong thời gian qua. Các chủ ngân hàng và nhà quản lý tài sản xác nhận với Bloomberg rằng đang có một nhóm các nhà đầu tư giàu có tìm cách chuyển tiền đi khỏi trung tâm tài chính này.
Một nhà quản lý tài sản lớn của châu Á cho biết đã nhận được một lượng lớn tiền mới ở Singapore từ Hong Kong trong những tuần gần đây. Công ty yêu cầu giấu danh tính do sự nhạy cảm của vấn đề.
Theo một ngân hàng tư nhân tại Hong Kong, những yêu cầu mới không đến từ những người siêu giàu, bởi họ đã có những kênh đầu tư và chuyển tiền dự phòng sẵn từ lâu. Thay vào đó, những người lo lắng lần này hầu hết đang sở hữu tài sản từ 10 đến 20 triệu USD.
"Ngay cả với những người nghĩ rằng các cuộc biểu tình sẽ kết thúc thì vấn đề họ thảo luận cũng đã khác đi, bao gồm sự thay đổi đang đến và đang cần lên kế hoạch thế nào?", Clifford Ng, làm việc tại Công ty Luật Zhong Lun (Hong Kong), chuyên tư vấn cho các khách hàng giàu có về giao dịch và đầu tư xuyên biên giới, cho biết.
Các cuộc biểu tình gần đây là tác nhân mới nhất trong quá trình tiền của giới nhà giàu chảy vào Singapore, London, New York và các trung tâm khác ngoài tầm với của Bắc Kinh. Ngành công nghiệp quản lý tài sản trị giá 2.400 tỷ USD của Singapore là một trong những bên hưởng lợi chính nhờ sự ổn định chính trị, ngôn ngữ và kết nối hàng không nhanh chóng với Trung Quốc.
Với sự quan tâm vượt bậc của các nhà đầu tư với Singapore, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) yêu cầu các tổ chức tài chính của nước này bày tỏ thái độ một cách thận trọng về tình hình chính trị Hong Kong. Một nguồn tin thân cận cho biết MAS muốn tránh bên ngoài suy nghĩ rằng Singapore đang hưởng lợi từ "những bất hạnh" của Hong Kong.
Các nhà quản lý tài sản ở Hong Kong xác nhận khách hàng của họ chưa chuyển nhiều tài sản đi, nhưng đang thiết lập các kênh để chuyển tiền nhật nhanh nếu tình hình xấu đi. Lãi suất tại Hong Kong cũng không thay đổi kể từ khi giới chức đặc khu từ bỏ việc thông qua Luật dẫn độ.
Một ngân hàng tư nhân ở Hong Kong nói rằng, mối quan tâm lớn nhất của các khách hàng là liệu có an toàn để giữ tiền trong thành phố lâu dài không. Nhiều người đang tìm cách tự trấn an bằng việc mở tài khoản ở nước ngoài để có thể chuyển tiền đi nhanh chóng.
Chủ đề về tình trạng bất ổn dân sự ở Hong Kong và khả năng người giàu gom tiền khỏi thành phố này nhạy cảm đến mức hầu hết giám đốc điều hành các ngân hàng đều yêu cầu Bloomberg phải giấu tên khi trả lời hay bình luận.
Việc mở một tài khoản ở nước ngoài cho khách hàng cũng mất thời gian hơn so với thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính. Các ngân hàng ở Hong Kong cần hoàn tất quy trình thẩm định khách hàng và tuân thủ các quy tắc chặt chẽ hơn để ngăn hoạt động rửa tiền. Khách hàng có công việc ổn định có thể mở tài khoản trong vòng ba tuần. Tuy nhiên, các khách hàng với sở hữu công ty và kết nối phức tạp thì có thể cần đến 6 tháng.
Bản thân Hong Kong vẫn là điểm đến phổ biến nhất của giới nhà giàu từ Trung Quốc đại lục, do dễ dàng mở tài khoản ngân hàng và ngôn ngữ thuận lợi. Một giám đốc tại Jupai Holdings (Thượng Hải), công ty quản lý tài sản tư nhân lớn của Trung Quốc, cho biết Hong Kong vẫn là điểm đến của 90% khách hàng ông.
Tuy nhiên, tình trạng bất ổn ở Hong Kong cũng có thể dẫn đến những kết quả khác. Các công ty quản lý tài sản gia đình, dịch vụ ngày càng được giới siêu giàu châu Á ưa chuộng, nhiều khả năng sẽ chọn Singapore thay vì Hong Kong. Đây là dự báo của David Chong - Chủ tịch của Labuan, thuộc Tập đoàn Portcullis (Malaysia). Công ty này chuyên tư vấn cho các công ty quản lý tài sản gia đình và các cá nhân giàu có.
Chong cho biết các công ty quản lý tài sản gia đình mà ông biết, nắm trong tay ít nhất 200 triệu USD được ủy quyền, đang tìm cách đặt trụ sở tại Singapore thay vì Hong Kong bởi các cuộc biểu tình thời gian qua.
"Hong Kong đã tự bắn vào chân mình. Bạn có tưởng tượng Singapore cho phép những điều như thế này không?', Chong bình luận.
Phiên An (theo Bloomberg)