Chốt phiên giao dịch 20/2, sàn TP HCM ghi nhận gần 10,65 triệu cổ phiếu HAG được khớp lệnh. Số lượng giao dịch phiên đầu tuần còn lớn hơn, lên tới hơn 13,4 triệu, cao nhất kể từ khi doanh nghiệp lên sàn năm 2008. Tính chung trong 4 phiên giao dịch gần nhất, đã có tổng cộng hơn 33 triệu chứng khoán của Hoàng Anh Gia Lai được chuyển nhượng qua sàn.
Cũng trong tuần qua, giá HAG không mấy biến động (chỉ tăng tổng cộng 100 đồng) song nhu cầu của nhà đầu tư đối với mã này vẫn rất lớn. Trong phiên giao dịch ngày 18/2, HAG có tín hiệu điều chỉnh nhưng dư mua vẫn cao hơn gần 40% so với dư bán.
Anh Trung, một nhà đầu tư có thâm niên 5 năm với chứng khoán tại TP HCM cho biết đã chuẩn bị một số tiền kha khá để gom HAG khi giá hạ nhưng vẫn chưa thể thực hiện thành công. Trong khi đó, một nhà đầu tư khác tên Lương cho biết đã kịp mua gần 100.000 cổ phiếu ngày đầu sóng tăng. Nhà đầu tư này giải thích, lý do ông đặt cược vào HAG là kỳ vọng cổ tức cao sau khi doanh nghiệp công bố lợi nhuận sau thuế tăng 2,6 lần cùng kỳ. Cùng với đó, thanh khoản cổ phiếu cũng thuộc loại ổn định, chốt lời hoặc cắt lỗ khi cần.
Chia sẻ với quan điểm này, trưởng nhóm môi giới - tư vấn đầu tư tại một công ty chứng khoán lớn trên sàn TP HCM cho rằng kết quả kinh doanh mới công bố của HAGL là nhân tố chính kích thích dòng tiền liên tục bơm vào mã này từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, vị này còn cho rằng các tay chơi chứng khoán đang đặt cược vào HAG chủ yếu vì tình hình đầu tư tại ba nước Lào, Campuchia và Myanmar hứa hẹn bước vào chu kỳ hái quả hoặc chuẩn bị có doanh thu.
Báo cáo của Trung tâm phân tích ACBS công bố hồi cuối năm ngoái cũng nhận định cổ phiếu HAG có triển vọng dài hạn. Thế mạnh của mã này bắt nguồn từ chiến lược tái cấu trúc tập đoàn. HAGL tinh gọn bộ máy, dồn vào hai mũi nhọn nông nghiệp (cao su, mía đường) ở Lào, Campuchia và bất động sản (khu phức hợp ở Myanmar). Nông nghiệp có lợi thế nhờ sản lượng cao, giá cạnh tranh. Còn bất động sản lại có ưu điểm đón đầu thị trường mới nổi Myanmar đang khan hiếm nguồn cung. Đồng thời, tập đoàn cũng mới tái cấu trúc các dự án bất động sản tại Việt Nam thông qua Công ty An Phú.
Một lý do khác khiến giới đầu tư phát sốt với HAG là thị giá mã này đã hầu như đi ngang suốt thời gian qua. Cuối năm 2013, HAG giao dịch tại mức 21.200 đồng nhưng các chuyên gia ACBS cho rằng định giá thực tế cao hơn đến 36%, tương đương 28.876 đồng một cổ phiếu và khuyến nghị nhà đầu tư mua với mục tiêu dài hạn. Triển vọng đến năm 2018, các chuyên gia của ACBS đánh giá tỷ suất lợi nhuận ròng doanh nghiệp có thể đạt 24-35%. Trong phiên giao dịch ngày 18/2, HAG đóng cửa với giá 25.900 đồng một cổ phiếu.
Trao đổi với VnExpress.net, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức cho biết ông không bất ngờ khi biết thanh khoản HAG đột ngột tăng cao. “Từ năm 2014 trở đi, HAGL sẽ bước vào chu kỳ phát triển bền vững sau khi trải qua 5 năm đầy khó khăn mang tiền đổ vào hàng loạt dự án lớn ở nước ngoài", bầu Đức khẳng định.
Theo bầu Đức, nguyên nhân cổ phiếu HAG liên tục giao dịch khủng trong những phiên đầu tháng 2 nhiều khả năng do nhà đầu tư chuẩn bị chờ đón thông tin cổ tức hấp dẫn hơn nhờ kết quả tốt về doanh thu cũng như lợi nhuận. "HĐQT chưa quyết cổ tức sẽ được trả cho nhà đầu tư và cổ đông ra sao nhưng có thể chắc chắn là sẽ có kịch bản tốt hơn vì HAGL hội đủ điều kiện để thực hiện điều đó”, ông nói.
Từ chối nói về kỳ vọng giá cổ phiếu HAG trong năm 2014, người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán giải thích: “Giá cả là chuyện của thị trường, doanh nghiệp không thể kiểm soát được việc đó. Hôm nay chúng tôi được mua nhưng có thể mai kia bị bán do khẩu vị nhà đầu tư thay đổi. Điều quan trọng là thanh khoản tốt và duy trì trạng thái ổn định”.
Bầu Đức dự tính phải đến năm 2015-2016 mới là chu kỳ gặt hái thành công đột biến của HAGL do toàn bộ các dự án ở nước ngoài đều sẽ đồng loạt đơm hoa kết trái. “Từ năm 2015 trở đi, không chỉ có cao su và mía đường mang về lợi nhuận cao, tập đoàn sẽ có thêm dòng tiền thu từ 15.000 hecta dầu cọ. Hiện nhà máy sản xuất và chế biến dầu cọ đang xây dựng, có thể khánh thành vào năm 2015. Riêng dự án khu phức hợp tại Myanmar, theo kế hoạch năm 2015 sẽ có lợi nhuận chuyển về Việt Nam”, ông ước tính.
Trái với sự hưng phấn của nhà đầu tư nội, khối ngoại dường như không còn mặn mà với HAG khi xuất hiện những phiên bán tháo mã này. Từ sau Tết Âm lịch đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng hơn 4 triệu cổ phiếu HAG, trong đó chủ yếu nằm ở phiên ngày 17/2.
Theo ông Phan Dũng Khánh – Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư tại Chứng khoán MayBank Kim Eng, chuyện khối ngoại rút khỏi HAGL có thể bắt nguồn từ những lùm xùm về đầu tư tại Campuchia.
Trước đà tăng nóng của HAG, nhiều chuyên gia chứng khoán cũng liên tục khuyến nghị nhà đầu tư nên cảnh giác về các rủi ro có thể gặp phải khi cố gắng đuổi theo mã này. Theo đó, nhóm chuyên gia tại ACBS cho rằng trong trường hợp xuất hiện biến động giá ngắn hạn quá cao, khả năng HAGL không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận có thể ảnh hưởng không tốt đến tâm lý nhà đầu tư.
Một chuyên gia phân tích thuộc công ty chứng khoán top 10 trên sàn TP HCM TP HCM cũng đưa ra chỉ báo cảnh giác khi cổ phiếu HAG tăng thanh khoản đột biến còn khối ngoại lại đang rút dần. “Không loại trừ khả năng khối ngoại đang tìm cách đẩy giá HAG để dễ bề chuyển nhượng. Họ không thể bán trực tiếp tại sàn do khối lượng quá lớn mà chỉ có thể thỏa thuận. Nếu giá HAG tăng cao, khoản chuyển nhượng sẽ dễ thỏa thuận hơn", vị này chia sẻ.
Còn ông Phan Dũng Khánh nhìn nhận HAG nên đầu tư trong trung và dài hạn. "Nhà đầu tư dự kiến sở hữu trên 3 tháng mới nên cân nhắc mua mã này. Khi nắm giữ thì chỉ nên nhìn vào nền tảng tương lai lâu dài", ông khuyến nghị.
Tường Vi - Hà Thanh