Những khách hàng chưa biết về hệ thống Ẩm thực Trần đã đặt câu hỏi tại sao đơn vị lại loại bỏ nhiều rau xanh còn tươi vào cuối ngày. Lý giải về hành động trên, bà Trần Thị Thu Thủy, Giám đốc hệ thống Ẩm thực Trần cho biết: "Một trong những nguyên tắc kinh doanh của toàn hệ thống là không để nguyên liệu qua ngày, vì Ẩm thực Trần chỉ sử dụng những nguyên vật liệu không có chất bảo quản". Chính vì vậy những nguyên liệu còn dư trong ngày đều tiến hành xử lý tiêu hủy, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho khách hàng.
Nhiều năm phục vụ trong ngành ăn uống, bà Thủy cho rằng khách hàng như người thân của mình, bữa ăn phải đảm bảo, an toàn và sạch. Do đó, dù có lãng phí nhưng vì sức khỏe khách hàng, Ẩm thực Trần luôn tuân thủ nguyên tắc hoạt động này.
Hệ thống Ẩm thực Trần đảm bảo nguồn cung rau sạch bằng cách hợp tác với Công ty Đà Lạt Green. Rau thủy canh của Đà Lạt Green được trồng tại Đà Lạt, với khí hậu mát mẻ quanh năm. Sản phẩm chủ yếu là rau xà lách thủy canh trồng theo quy trình nghiêm ngặt của Hà Lan, không thuốc trừ sâu, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc tăng trưởng và không sử dụng chất biến đổi gen.
Ngoài ra, rau xà lách thủy canh của đơn vị còn đạt tiêu chuẩn VIETGAP với các chủng loại: Salanova, bativia, lolo xanh và tím, romen baby, romen, sala mỡ, sala phize... và một số loại xà lách thủy canh khác. Phương pháp này cũng được áp dụng cho giá đỗ sử dụng tại Ẩm thực Trần.
Mặc dù chọn phương án tiêu hủy an toàn, nhưng theo bà Thủy, cách làm này hơi lãng phí. "Chúng tôi đang tìm hướng giải quyết với số lượng rau tồn mỗi ngày, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường và gây lãng phí", bà Thủy nói thêm.
Hiện Ẩm thực Trần tính đến phương án tận dụng nguồn rau thừa để làm sản phẩm hữu cơ như: ủ làm nước rửa chén, nước lau sàn. Đây là cách được nhiều doanh nghiệp, tổ chức đang khuyến khích.
Thành Dương