Các ngân hàng châu Âu thường nhanh chóng tăng lãi suất cho vay khi ngân hàng trung ương nâng lãi suất tham chiếu. Nhưng phần lớn nhà băng lại chậm chạp trong việc tăng lãi suất tiền gửi với hàng triệu khách hàng. Việc này khiến nhiều nhà băng có lợi nhuận vượt dự báo. Tuy nhiên, nó cũng khiến người gửi tiền bất mãn, làm dấy lên câu hỏi về sự ổn định lâu dài của lĩnh vực này.
"Các ngân hàng cần quyết định liệu có nên tối đa hóa lợi nhuận bằng cách giữ lãi suất tiết kiệm thấp nhất có thể, hay ưu tiên thanh khoản và ổn định bằng cách nâng lãi lên để giữ nguồn vốn", Nicola Marinelli - giáo sư tài chính tại Đại học London cho biết.
Nhiều quỹ đầu tư đang hấp dẫn khách hàng muốn có lợi nhuận tốt hơn khi lạm phát đang ở mức cao. Vài năm gần đây, lợi nhuận từ các quỹ này đã nhỉnh hơn lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng. Số liệu từ hãng dịch vụ tài chính Refinitiv Lipper cho thấy hơn 34 tỷ euro (37,6 tỷ USD) đã chảy vào các quỹ đầu tư tại châu Âu trong tháng 3.
Tính đến cuối năm ngoái, tài sản của các quỹ này đạt hơn 1.400 tỷ euro. Dù vậy, con số này vẫn rất nhỏ so với 9.450 tỷ euro trong tài khoản thanh toán của các ngân hàng ở eurozone.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng phủ nhận rủi ro từ việc số tiền gửi giảm. Khi được hỏi về việc tiền gửi giảm 1,6% trong quý I, CEO UniCredit Andrea Orcel cho biết ngân hàng này vẫn có thanh khoản tốt và vẫn có khả năng tạo ra lợi nhuận.
Việc tiền gửi giảm cũng có thể giúp các ngân hàng cân đối lại hoạt động, khi nhu cầu vay cũng có dấu hiệu chậm lại. Tuy nhiên, họ cũng phải đảm bảo đủ thanh khoản và vốn nếu các khoản vay đột ngột chuyển thành nợ xấu.
Phần lớn ngân hàng châu Âu có mức vốn và thanh khoản tốt. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (Mỹ) và Credit Suisse (Thụy Sĩ) là hồi chuông cảnh báo hậu quả khi bị rút tiền hàng loạt.
Tại Anh, NatWet bị rút 11,1 tỷ bảng trong 3 tháng đầu năm. Tiền gửi của HSBC mất 10 tỷ USD. Barclays và Lloyds Banking Group bị giảm lần lượt 5 tỷ bảng và 2,2 tỷ bảng.
Tại Đức, số liệu của Ngân hàng Trung ương cho thấy tiền gửi của các hộ gia đình giảm gần 8% trong quý I so với năm ngoái. Deutsche Bank – ngân hàng lớn nhất nước này – ghi nhận mức giảm 4,7% do lo ngại tác động lan truyền từ khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ.
Tiền gửi tại BNP Paribas (Pháp) giảm nhẹ trong quý I. Trong khi đó, Santander (Tây Ban Nha) là ngân hàng duy nhất tại châu Âu ghi nhận mức tăng 6%.
Nhiều chính trị gia đã chỉ trích các ngân hàng để lãi suất cho vay và tiết kiệm quá chênh lệch. "Tất cả là vì lợi nhuận thôi. Các anh muốn duy trì lợi nhuận cho mình. Đúng không?", nghị sĩ Anh Angela Eagle chất vấn các lãnh đạo ngân hàng trong buổi điều trần hồi tháng 2.
CEO HSBC Noel Quinn lại cho rằng số tiền gửi thất thoát "không lớn". Andy Halford – Giám đốc Tài chính của Standard Chartered khẳng định trên Reuters rằng người dân cuối cùng cũng sẽ ưu tiên sự an toàn hơn là tiền lãi. "Hãy chờ mà xem. Họ sẽ để tiền ở nơi an toàn", ông nói.
Hà Thu (theo Reuters)