Hôm qua (17/7), David Marcus – Giám đốc dự án tiền kỹ thuật số Libra của Facebook tiếp tục ra điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính thuộc Hạ viện Mỹ. Cuộc điều trần kéo dài hơn 4 giờ, hé lộ nhiều thách thức Facebook phải đối mặt khi muốn ra mắt tiền kỹ thuật số này.
Chủ tịch ủy ban này – bà Maxine Waters so sánh Facebook với hai công ty Mỹ cũng gặp scandal lớn, là Wells Fargo và Equifax. "Số người chịu thiệt hại từ hoạt động của Facebook cũng tương tự Wells Fargo, và sự thất bại trong việc bảo mật thông tin người dùng cũng có quy mô như Equifax", bà nói. Waters đã công bố một dự luật cấm các hãng công nghệ lớn tham gia vào hệ thống tài chính. Việc này có thể ngăn Facebook ra mắt Libra.
Nghị sĩ Carolyn B. Maloney thì cho rằng Facebook nên bỏ ý tưởng này, hoặc ít nhất chỉ đưa ra một chương trình thử nghiệm nhỏ. "Tôi không cho rằng Facebook nên ra mắt Libra. Việc tạo ra một đồng tiền mới là chức năng cơ bản của chính phủ", bà nói.
Các nghị sĩ Mỹ muốn biết chính xác Libra là gì - ngân hàng, hàng hóa hay một quỹ ETF. Marcus khẳng định Libra giống một loại hàng hóa hơn. "Chúng tôi muốn Libra trở thành một đồng tiền số toàn cầu", ông nói.
Dù vậy, câu trả lời này vẫn khiến một số nghị sĩ khó hiểu. "Rút cục nó là cá hay chim? Tôi thấy giống thú mỏ vịt hơn", Bill Huizenga – nghị sĩ đảng Cộng hòa nhận xét.
Facebook cho biết tiền ảo này sẽ thu hẹp khoảng cách trong hệ thống tài chính toàn cầu, giúp những người khó tiếp cận ngân hàng truyền thống gửi và nhận tiền nhanh chóng với mức phí gần như bằng 0. Dù vậy, việc Libra sẽ được quản lý thế nào tại Mỹ và các nước trên thế giới vẫn còn chưa rõ ràng. Đây là quá trình có thể quyết định thành công của tiền ảo này.
Hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire cũng tỏ ý nghi ngại về Libra. Ông cho biết giới chức phải có quy định khắt khe với tiền ảo này. "Người ta lo ngại rửa tiền và tài trợ khủng bố", ông cho biết trên CNBC.
Nghị sĩ Brad Sherman cũng so sánh Libra với vụ tấn công khủng bố năm 2001. "Nó có thể còn đe dọa Mỹ nhiều hơn thế", ông nói.
Một số nghị sĩ khen ngợi ý tưởng đột phá của Facebook, nhưng vẫn tỏ ra nghi ngờ. "Chúng ta không thể chỉ vì không hiểu hết về công nghệ mà ngay lập tức cấm nó được. Nhưng thành thật mà nói, vì là Facebook nên tôi nghi ngờ chuyện này", nghị sĩ Patrick T. McHenry cho biết.
Facebook đang ngày càng mất uy tín với giới chức Mỹ, sau hàng loạt scandal về tin giả và bảo mật thông tin người dùng. Tuần trước, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) còn phạt mạng xã hội này 5 tỷ USD vì vấn đề bảo mật.
Một số nghị sĩ hôm qua đặt câu hỏi liệu Facebook có thể ngăn những người đã bị cấm dùng mạng xã hội này sử dụng Libra hay không. Marcus cho biết hiện tại ông không có câu trả lời cho vấn đề này.
Dù vậy, Marcus cũng nhắc lại họ sẽ không vội vã phát triển tiền ảo này và đã bắt đầu thảo luận với giới chức Mỹ cũng như nhiều nước khác. "Chúng tôi chịu trách nhiệm về các sai lầm của mình và đang nỗ lực khắc phục các vấn đề trên mọi phương diện", ông nói.
Ngày 18/6, Facebook thông báo sẽ ra mắt tiền kỹ thuật số mới – Libra vào nửa đầu năm sau. Libra không do Facebook điều hành, mà thuộc quản lý của Libra Association - một tổ chức phi lợi nhuận được sự ủng hộ của hàng loạt công ty khác, như Visa, PayPal, eBay, Lyft, Uber và Spotify. Tiền số này sẽ được tạo ra trên nền tảng khối chuỗi mới, được bảo đảm bằng trái phiếu chính phủ ngắn hạn và tiền gửi ngân hàng.
Hà Thu (theo Washington Post)