Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam được Thủ tướng ký phê duyệt tháng 7/2014, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sản xuất 466.400 xe trong nước, gấp hơn 3,5 lần năng suất đạt được năm 2014 và sẽ đạt ngưỡng 1,5 triệu chiếc sau 20 năm tới. Kế hoạch này đang gặp thách thức lớn khi các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cho phép xe nhập khẩu từ các nước trong khu vực được hưởng thuế 0% khi vào Việt Nam năm 2018. Sau 20 năm được bảo hộ, ngành ôtô chỉ còn khoảng 3 năm chuẩn bị để đương đầu với các nhà sản xuất xe lớn trong khu vực.
* Infographic: Chiến lược công nghiệp ôtô Việt Nam đến 2030
Gần đây Tổng giám đốc Toyota Việt Nam - Yoshihisa Maruta lần đầu tiên thể hiện sự sốt ruột giữa hai phương án chuyển sang nhập khẩu hoàn toàn hay tiếp tục lắp ráp. Theo vị này, việc nhập xe nguyên chiếc về bán sẽ rẻ hơn nhập linh kiện về lắp ráp, khi nhiều dòng thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm xuống 0% vào năm 2018. "Chỉ có 3 năm nữa trong khi với ngành ôtô thì để ra một mẫu xe mới cần đúng khoảng thời gian như vậy", ông Maruta phát biểu trước báo giới.
Đây không phải lần đầu tiên liên doanh Nhật Bản phân vân về phương án hoạt động tại Việt Nam, song đây là lần biểu hiện rõ rệt nhất cho thấy những lo lắng khi cơ quan quản lý chưa có chính sách thực sự cụ thể khi thời điểm giảm thuế đang tới gần. Trong khi đó, quy mô sản xuất nhỏ đang khiến giá thành sản xuất ôtô ở Việt Nam cao hơn so với quốc gia láng giếng, như với Thái Lan là hơn 20%.
Trước đó, Vina Star Motors (Vinastar) - nhà phân phối của Mitsubishi Motors cũng cho hay có thể điều chỉnh chiến lược kinh doanh để phù hợp với lộ trình giảm thuế vào năm 2018, cân nhắc hai hướng gia tăng sản xuất hay nhập khẩu.
Dự báo được lộ trình giảm thuế, nhiều hãng xe cũng đang tăng cường nhập khẩu từ các quốc gia có chi phí thấp hơn. Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy quý I/2015, ước tính có 23.000 chiếc được đưa vào trong nước, tổng trị giá 537 triệu USD, tăng 216% về số lượng và 255% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
“Từ năm nay, việc thực hiện các cam kết trong ASEAN sẽ đầy đủ hơn khiến nhập khẩu ôtô ngày càng dễ. Các doanh nghiệp sẽ tăng nhập khẩu xe từ nước khác, như gần đây lượng xe từ Ấn Độ có chi phí thấp hơn đang tăng lên”, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó trưởng Ban Thông tin doanh nghiệp và thị trường, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia nhận định. Ngoài ATIGA, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN với 6 nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand) cũng dự báo sẽ hoàn tất trong năm 2015.
Báo cáo của Dezan Shira & Associate cũng cảnh báo Việt Nam cần có một chính sách cụ thể cho các doanh nghiệp ngoại, nếu không các nhà sản xuất xe sẽ buộc phải đưa ra quyết định nhập khẩu ôtô vào Việt Nam chứ không còn sản xuất ở trong nước, hoặc bắt đầu tìm đến các quốc gia khác hoạt động.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp ngoại còn tính tới việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội khi các hàng rào thuế quan được xóa bỏ. Công ty Chairatchakarn (Thái Lan) đã mua 2,2 triệu cổ phiếu của Công ty ôtô Trường Long và trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 27,5%. Chairatchakarn là doanh nghiệp kinh doanh ôtô hàng đầu tại Thái Lan với các thương hiệu phân phối là Toyota, Hino.
"Khi thuế suất nhập khẩu trong khu vực bằng 0, không loại trừ các nhà đầu tư ôtô sẽ dịch chuyển sang Việt Nam bởi nhu cầu thị trường vẫn lớn và vị trí địa lý thuận lợi, có thể là trung tâm của khu vực", ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh đầu tư nước ngoài (VAFIE) trao đổi với VnExpress.
Tiến sĩ Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE nhận định nếu các nhà sản xuất chuyển sang nhập khẩu xe về bán ở thị trường trong nước thì đây sẽ là nốt giáng cho chiến lược phát triển ôtô Việt Nam. "Đã có chiến lược từ năm 1991 và điều chỉnh nhiều lần, mỗi lần đưa ra không biết bao nhiêu chính sách mới nhưng bây giờ khi thuế bằng 0% thì không dại gì người ta nhập khẩu linh kiện để lắp ráp ôtô tại Việt Nam. Chiến lược phát triển của ngành đã không lường được các diễn biến khi hội nhập", ông Mại chia sẻ.
Trong bối cảnh ngành ôtô cạnh tranh khốc liệt và các đơn vị liên doanh còn ngập ngừng, sản xuất trong nước càng gặp khó khăn hơn khi doanh nghiệp than chưa được quan tâm đúng mức. Ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) bày tỏ nhiều Bộ, ngành, chuyên gia không tin công nghiệp ôtô của Việt Nam có thể thành công nên chưa ủng hộ, chưa có chính sách đúng để hỗ trợ doanh nghiệp.
"Tiềm năng của Việt Nam không yếu so với các nước trong khu vực. Tài nguyên và nguồn lao động hơn hẳn Nhật Bản và Hàn Quốc. Chính phủ nên có những chính sách giống như Ấn Độ và một số nước ASEAN. Họ hỗ trợ, bảo vệ cho doanh nghiệp sản xuất dòng xe dành cho những người thu nhập thấp", ông Huyên cho biết.
Việt Nam hiện có 20 công ty và 40 thương hiệu trong ngành, song công nghiệp ôtô vẫn chưa thực sự tăng trưởng như mong đợi. Năm 2014, sản lượng toàn ngành đạt khoảng 128.000 xe, năng lực sản xuất toàn ngành sử dụng thực tế chỉ đạt 30% trên tổng công suất 500.000 xe.
Theo ông Nguyễn Mại, thị trường xe hơi vẫn còn rất nhiều đất để phát triển bởi Việt Nam có 90 triệu người, dự kiến đến năm 2020 có khoảng 15% dân số thuộc tầng lớp trung lưu, tức thu nhập 10.000 USD một người, tương đương 15 triệu người có thể mua ôtô. "Chúng ta ở trong khu vực ASEAN, khu vực có 600 triệu dân, ôtô luân chuyển tốt, nếu làm tốt thì ít nhất chúng ta có ngành công nghiệp ôtô tương đương Thái Lan", vị này khẳng định.
Song, điều kiện cần thiết để chi phí ôtô trong nước hấp dẫn hơn là công nghiệp phụ trợ phải được phát triển để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Khi đó, các hãng xe trong nước hoàn toàn có thể ung dung lắp ráp các thương hiệu xe lớn với chi phí thấp hơn và cạnh tranh với các dòng xe ngoại nhập.
"Nên có thêm nhiều chính sách hỗ trợ đối với ngành công nghiệp phụ trợ. Chính phủ đã trình danh mục những ngành công nghiệp phụ trợ được hưởng thuế suất ưu đãi, công nghệ càng tiên tiến thì càng được nhiều ưu đãi. Nếu danh mục được chấp thuận thì rất nhiều linh kiện, thiết bị sẽ được hưởng ưu đãi lớn", ông Đinh Trịnh Hải - Phó chủ tịch Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho hay.
Cùng với đó, lãnh đạo Vinaxuki cho rằng ngành sản xuất xe trong nước phải có những ưu đãi riêng. "Nếu tiếp tục theo đuổi chính sách như lâu nay thì không làm được, có thể chiến lược sẽ phá sản. Doanh nghiệp nước ngoài họ vay vốn 1-2% mà chúng tôi phải vay vốn với lãi suất cao hơn thì thua là điều đương nhiên. Đây cũng chính là lý do khiến không chỉ ngành ô tô mà những doanh nghiệp lĩnh vực khác cũng khó cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại", vị này nhấn mạnh.
Phương Linh