So với giai đoạn trước, từ cuối tháng 4 đến nay, số lượng nhà băng nâng lãi suất tiết kiệm nhiều hơn hẳn. Một số đơn vị suốt thời gian dài không động tĩnh cũng đã tham gia cuộc đua, như SHB, ABBank, SeABank, BacABank... Nhiều nhà băng vốn đã có lãi suất tiết kiệm cao hơn mức chung thị trường, nay tiếp tục nâng thêm để đẩy mạnh huy động vốn từ cư dân.
Đa phần các ngân hàng chọn tăng lãi suất cho các kỳ gửi ngắn hạn, nâng mặt bằng chung tiến sát mốc 4% một năm. Ngoài ra, theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhiều ngân hàng muốn thu hút thêm lượng tiền gửi CASA (tiền gửi không kỳ hạn) bằng cách đầu tư vào công nghệ số hóa. Đơn vị này cho rằng, đây sẽ là xu hướng phát triển trọng yếu trong thời gian sắp tới.
Lãi suất các kỳ gửi dài hạn cũng được điều chỉnh nhưng biên độ tăng không mạnh do đã có mức nền tương đối cao. Sau đợt điều chỉnh lần này, 18 ngân hàng đưa lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại quầy lên hơn 6% một năm, con số trên với kênh online là 20 đơn vị.
ABBank trở thành ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm mạnh nhất. Với giao dịch tại quầy, ngân hàng này tăng lãi thêm 0,4-0,5% một năm cho các kỳ 6, 9 và 12 tháng. Trên kênh online, các kỳ gửi phổ biến đều được nâng lãi suất, riêng kỳ 9 tháng được điều chỉnh đến 0,7 điểm phần trăm. Tuy nhiên, nhà băng này vẫn nằm trong nhóm 10 đơn vị trả lãi suất tiết kiệm thấp nhất thị trường.
SHB và Techcombank cũng là hai ngân hàng có mức điều chỉnh mạnh. Lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại quầy của SHB tăng thêm 0,4% một năm. Techcombank cũng có mức tăng tương tự cho kênh online. Từ xếp cuối về lãi suất tiết kiệm online 12 tháng, Techcombank đã cải thiện thứ hạng lên 5 bậc.
NamABank tiếp tục giữ chắc vị trí quán quân lãi suất tiết kiệm 12 tháng trên kênh online. Gần đây, ngân hàng này tiếp tục tăng lãi thêm 0,1 điểm phần trăm cho tiền gửi 6 và 9 tháng.
Trong khi đó, Vietinbank lại ngược dòng khi hạ 0,3 điểm phần trăm lãi suất ở tất cả kỳ gửi phổ biến. Từ nhóm nhà băng có lãi suất trung bình thấp, nay ngân hàng này rơi vào nhóm 10 đơn vị trả lãi tiền gửi tiết kiệm thấp nhất thị trường. Ba ngân hàng quốc doanh còn lại gồm Agribank, BIDV, Vietcombank tiếp tục không thay đổi lãi suất.
Dưới đây là mức lãi suất sắp xếp từ cao tới thấp được niêm yết chính thức (cho khoản tiền dưới 1 tỷ đồng), không tính thỏa thuận thực tế của ngân hàng với từng khách (khách quen, VIP, gửi tiền nhiều - nhưng dưới một tỷ). Lãi suất gửi online thường cao hơn từ 0,1% đến 0,2%, có nơi trả cao hơn 1% một năm so với khi gửi tại quầy.
Theo thống kê của VnDirect đến ngày 28/3, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 và 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh không đổi so với mức cuối năm ngoái, trong khi lãi suất tiền gửi hai kỳ hạn trên của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lần lượt tăng 7 điểm cơ bản và 8 điểm cơ bản.
Nhìn chung năm nay, VnDirect cho rằng lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp lịch sử do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc, áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm nay và sự cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn.
VnDirect kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 30-50 điểm cơ bản vào năm nay. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 5,9-6,1% một năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7% một năm.
Tất Đạt