Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, từ ngày 27/2 triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá 10.000 tỷ đồng với lãi suất giảm mạnh đến 2% một năm cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Khách hàng có thể vay vốn ngắn hạn với lãi suất tối thiểu 6,5% mỗi năm với doanh nghiệp và 8,5% một năm với cá nhân. Thời gian triển khai gói vay sẽ kết thúc vào ngày 30/6 hoặc khi hết hạn mức.
Trước đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng có gói tín dụng ngắn hạn 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với gói này, ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1% mỗi năm đối với khoản vay bằng VND và 0,5% một năm đối với USD. Thời gian triển khai đến hết 30/6 hoặc đến khi hết quy mô gói.
Tương tự, SHB đã hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi với khoản vay mới và điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu. Khách hàng sẽ được giảm lãi suất lên tới 1,5% một năm so với thông thường với các khoản vay bằng VND và 0,5% mỗi năm với USD.
Còn KienLongBank giảm lãi suất cho vay lên đến 3% một năm với các khách hàng hiện hữu có mục đích vay để trồng các loại trái cây như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài... đã nhận cấp vốn tín dụng thời gian qua.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác như ACB cũng triển khai gói cho vay 25.000 tỷ đồng (13.000 tỷ cho vay cá nhân và 12.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp). Trong đó, khách cá nhân sẽ được vay lãi suất tối thiểu từ 7,5% một năm cho các khoản vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và 8,5% một năm cho các khoản vay trung dài hạn.
Đối với khách hàng SME, nếu có nhu cầu bổ sung vốn ngắn hạn cho hoạt động sản xuất kinh doanh có thể chọn ưu đãi lãi suất vay ngắn hạn chỉ từ 6,5% một năm. Các khách có nhu cầu đầu tư mua sắm và sửa chữa máy móc thiết bị... có thể vay lãi suất trung dài hạn từ 8,5% mỗi năm.
Trước đó một số ngân hàng cũng đưa ra các gói tín dụng ưu đãi và giảm lãi suất cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như Vietcombank, Kienlongbank, Viet Capital Bank, Nam A Bank...
Lãnh đạo SHB cho biết, các chính sách, biện pháp hỗ trợ khách hàng mà nhà băng này đang triển khai là hành động cụ thể hóa cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.
"Đồng thời, hoạt động này cũng là nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ và định hướng của Ngân hàng Nhà nước triển khai giải pháp chia sẻ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19", vị lãnh đạo SHB nói.
Tại Hội nghị triển khai các giải pháp cụ thể để có phương án tín dụng phù hợp với ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp vì dịch Covid-19 đầu tháng 2, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tái cơ cấu nợ, chuyển nợ, giãn nợ, giảm lãi suất...
Theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các nhà băng bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện thanh khoản của các ngân hàng thương mại khá dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn. Do vậy, ông cho rằng nhà băng không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. "Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các nhà băng giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân", ông Tú nhấn mạnh.
Lệ Chi