Tháng trước, Trung Quốc nhập khẩu 7,69 tấn dầu thô Nga, tương đương 2 triệu thùng một ngày, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc. Ngược lại, dòng chảy dầu từ Saudi Arabia lại xuống thấp nhất kể từ tháng 6, giảm 29% so với tháng trước đó.
Trung Quốc và Ấn Độ gần đây trở thành khách mua chủ chốt của dầu Nga, do chiến sự tại Ukraine định hình lại dòng chảy năng lượng toàn cầu. Moskva rao bán dầu giá rẻ hơn để thu hút người mua. Động thái này được nhiều nước châu Á, vốn đang nỗ lực kiểm soát giá cả, hoan nghênh.
Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực năng lượng có lợi cho cả hai bên. Nga cần khách hàng mới trong bối cảnh nhiên liệu hóa thạch của nước này bị phương Tây xa lánh. Còn với Trung Quốc, mục tiêu hiện tại là vực dậy nền kinh tế sau nhiều năm Zero Covid. Vì thế, họ cần năng lượng giá rẻ để vận hành ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ.
Nhu cầu nhiên liệu cho phương tiện giao thông tại Trung Quốc cũng tăng mạnh từ cuối năm ngoái, sau khi nước này chấm dứt chính sách Zero Covid. Trước đó, nhu cầu tại đây khá yếu do chính sách phong tỏa ngặt nghèo, ngành bất động sản đi xuống và tăng trưởng kinh tế giảm.
Năng lượng cũng được kỳ vọng là chủ đề thảo luận chính trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga tuần này. Nga hiện còn là nước cung cấp than đá và khí hóa lỏng (LNG) lớn cho Trung Quốc.
Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy một năm sau chiến sự, Trung Quốc đã chi 88 tỷ USD mua năng lượng Nga, gồm dầu thô, các sản phẩm từ dầu, than đá và khí tự nhiên. Con số này tăng mạnh so với 57 tỷ USD giai đoạn 12 tháng trước đó.
Hà Thu (theo Bloomberg)