![]() |
Tổng thống Nga Medvedev và CEO của Gazprom Alexei Miller trong buổi họp được phát trực tiếp trên truyền hình. Ảnh: AP |
Cuối tuần trước, ông Medvedev đã đưa ra tối hậu thư cho Belarus, yêu cầu nước này, hoặc thanh toán toàn bộ tiền còn thiếu trước đó (khoảng 200 triệu USD) trong vòng 5 ngày hoặc ngừng sử dụng nguồn nhiên liệu được Nga cung cấp.
Quyết định cứng rắn này đã nhiều lần được phía Nga trì hoãn do lo ngại việc dừng cung cấp gas cho Belarus có thể ảnh hưởng tới các khách hàng của nước này tại châu Âu bởi 1/5 lượng gas mà Nga bán cho châu Âu được dẫn qua lãnh thổ Belarus.
Theo hãng tin Anh BBC, kể từ ngày thứ 21/6, Nga đã bắt đầu giảm 15% sản lượng gas cung cấp cho Belarus. Con số này có thể tăng tới 80% nếu các cuộc đàm phán giữa 2 quốc gia không đạt được tiến triển đáng kể.
“Việc cắt giảm sẽ được tiến hành hằng ngày, tương ứng với với số nợ của Belarus”, CEO của Gazprom Alexei Miller khẳng định với hãng tin Ria Novosti. Ông Miller cũng cho biết phía Belarus đã thừa nhận việc thiếu nợ Gazprom nhưng đề nghị được trả bằng máy móc, thiết bị và một số sản phẩm khác.
Đề nghị này lập tức bị Tổng thống Nga bác bỏ. “Nợ nước ngoài phải được trả bằng ngoại tệ. Gazprom không thể chấp nhận việc trả nợ bằng bơ, pho-mát hay bất cứ sản phẩm nào”, ông Medvedev khẳng định.
Về phía Belarus, sau những khó khăn tài chính gần đây, Chính phủ nước này đã phải đưa ra quyết định từ chối trả nợ Nga. Belarus khẳng định rằng phía Nga cần cung cấp khí đốt giá rẻ cho nước này để đổi lại những lợi ích nhận được từ người láng giềng.
Cuối tuần trước, chính Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã phủ nhận việc thiếu nợ Gazprom và cho rằng việc Nga cố tình tăng giá bán là không có cơ sở. Belarus muốn giữ giá 150 USD cho mỗi 1.000 mét khối gas mua của Nga. Tuy nhiên, kể từ quý I/2010, phía Nga đã tăng giá bán lên 169,2 USD cho 1.000 mét khối. Gazprom cho biết con số này sẽ là 500 - 600 USD vào cuối năm nay.
Tương tự như Ukraine, Belarus là một phần quan trọng trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu. Bản thân quốc gia này cũng chủ yếu dựa vào Nga để thỏa mãn nhu cầu nhiên liệu trong nước. Vào tháng 1/2006 và 2009, Nga đã tiến hành ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine do tranh cãi về giá bán. Quyết định này cũng gây thiệt hại không nhỏ cho các khách hàng của Nga tại châu Âu. |
Nhật Minh