Hơn 2 tuần nay, gia đình anh Nông Văn Lý (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng) mỗi ngày đều tranh thủ dậy từ 4h sáng lên vườn hái na. Nhà anh trồng hơn 1.000 cây, đã thu hoạch được khoảng 2 tấn. Anh cho biết cứ vào mùa, na chín rất nhanh. Nếu không hái kịp, trời nóng khiến na chín cây, rơi rụng thì bán sẽ mất giá. Na đẹp quả phải đều, mắt to, cầm nặng tay và còn cuống.
Theo anh Lý, vào đầu vụ, na quả đẹp bán lẻ được 40.000-45.000 đồng một kg, bán buôn là 25.000-35.000 đồng. Đến nay, giá bán buôn còn 18.000-22.000 đồng. Loại na bi, quả nhỏ không chọn cũng bán được 8.000-10.000 đồng một kg. "Nhìn chung, giá năm nay thấp hơn vụ trước 5.000-10.000 đồng một kg, song bà con nông dân vẫn có lãi và hơn làm ruộng nhiều”, anh chia sẻ.
Từ khi na chín rộ đến nay anh Lý phải thuê thêm 3 người hái với chi phí 200.000 đồng mỗi ngày, bao ăn ở. Chủ vườn hơn 1000 gốc na này tiết lộ như năm trước, gia đình anh phải có lãi đến cả trăm triệu đồng.
Trồng na đã hơn chục năm nay, ông Lăng Văn Dèn (thị trấn Chi Lăng) cũng vui vì dù na xuống giá một chút nhưng vẫn có lãi. “Nhà tôi có hơn 200 gốc. Con cái đi học hết nên hai vợ chồng túc tắc tự hái. Phải đi bộ mất hơn 1km mới hết vườn, lại lên núi đá nên mỗi ngày cố lắm chỉ được 4 gánh”, người nông dân này chia sẻ.
Những ngày này, dọc tuyến quốc lộ 1A đi qua thị trấn Chi Lăng tấp nập kẻ bán người mua. Chợ na Đồng Bành là địa điểm thu mua đông nhất. Mỗi ngày có khoảng 100-120 đầu mối lớn, nhỏ... thu mua trên 50 tấn. Thương lái nhiều nơi đến mua na chất lên xe tải chở về địa phương.
“Mỗi ngày tôi cân được 4 tấn na cho chủ hàng người Trung Quốc, người dân đã tự lựa ra những quả to đẹp để bán nên cũng không mất nhiều thời gian chọn. Chất lượng và mẫu mã quả đồng đều nên năm nào cũng có người đặt mua”, chị Phương - thương lái thu mua cho hay.
Để quảng bá thương hiệu Na Chi Lăng, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ 17 hộ nông dân tổ chức sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước tính đạt trên 75 tấn. Hiện nay, diện tích cây na toàn huyện Chi Lăng đạt gần 1.400 ha, sản lượng trên 10.000 tấn mỗi năm.
Hồng Vân