Giới chuyên gia nhận định GDP đi xuống không đồng nghĩa Mỹ sắp rơi vào suy thoái. Do số liệu này bị tác động bởi nhiều yếu tố tạm thời, như thâm hụt thương mại khổng lồ vì đứt gãy chuỗi cung ứng.
"Đây là con số gây ngạc nhiên, nhưng chúng ta không nên hoảng loạn", Mark Zandi – nhà kinh tế học tại Moody's Analytics cho biết, "Nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp sẽ vẫn giảm xuống". GDP Mỹ được dự báo tăng trở lại trong quý II.
Tiêu dùng – động lực chính của nền kinh tế - tăng tốc trong 3 tháng đầu năm. Chi tiêu cá nhân tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty cũng chi nhiều hơn cho máy móc, nhà xưởng và phần mềm. Đầu tư kinh doanh tăng vọt với 9,2% so với năm ngoái. Tốc độ này gấp 3 lần quý trước đó.
"Nhu cầu nền tảng vẫn đang mạnh và thị trường việc làm hiện khá tốt", Gus Faucher – nhà kinh tế học tại PNC khẳng định.
Nhập khẩu tăng vọt trong quý I do nguồn cung tại Mỹ không thể đáp ứng nhu cầu lên cao. Thâm hụt thương mại vì thế "đóng góp phần lớn vào việc GDP giảm", Goldman Sachs cho biết.
Ngoài lý do thương mại, GDP Mỹ còn chịu sức ép vì Covid-19. Biến chủng lây lan nhanh – Omicron – đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Một số chính sách hỗ trợ trong đại dịch cũng đã bị rút dần hoặc ngừng hẳn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua cũng cho biết "không lo lắng về suy thoái" do các yếu tố nền tảng vẫn vững. "Tôi cho rằng tăng trưởng chịu ảnh hưởng vởi mọi thứ liên quan đến Covid. Các gián đoạn vì Covid diễn ra ở khắp mọi nơi", ông nói.
Dù vậy, kinh tế Mỹ vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, nổi bật nhất là lạm phát. Khả năng giá giảm hiện không lớn, do chính sách phong tỏa tại Trung Quốc và xung đột ở Ukraine.
Hà Thu (theo CNN)