Văn phòng Quản lý Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ được dự báo sẽ không gia hạn quy định miễn trừ tạm thời với Nga sau khi quy định này hết hiệu lực ngày 25/5, Bloomberg trích nguồn tin thân cận cho biết.
Lệnh miễn trừ được đưa ra sau khi Mỹ công bố trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine cuối tháng 2. Nó giúp Moskva vẫn có thể thanh toán các khoản nợ trái phiếu nước ngoài và thoát nguy cơ vỡ nợ.
Đến nay, gần 3 tháng sau xung đột tại Ukraine, Nga vẫn hoàn tất các khoản thanh toán cho chủ nợ. Nước này vài lần gặp khó do các lệnh trừng phạt khiến họ mất nhiều nguồn thu ngoại tệ và không tiếp cận được dự trữ ở nước ngoài.
Hôm 6/4, Nga cho biết đã trả một khoản nợ bằng ruble, khiến hãng đánh giá tín nhiệm S&P 3 ngày sau đó tuyên bố nước này vỡ nợ. Dù vậy, đến ngày 30/4, Nga thông báo đã thanh toán khoản này cho các chủ nợ bằng USD.
Một số quan chức Bộ Tài chính Mỹ giải thích rằng việc cho phép Nga thanh toán nợ sẽ rút cạn dự trữ của họ nhanh hơn, đồng thời khiến họ không thể dồn tài nguyên vào các mục đích khác như vũ khí hay hoạt động quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, giới chức Mỹ vẫn quyết tâm không gia hạn quy định miễn trừ, nhằm duy trì sức ép tài chính lên Moskva, nguồn tin của Bloomberg cho biết.
Một nguồn tin khác thì khẳng định Bộ Tài chính Mỹ vẫn chưa ra quyết định cuối cùng.
Dù vậy, sức ép trả nợ của Nga sẽ bị lấn át bởi nguồn thu ngoại tệ từ việc xuất khẩu dầu, khí đốt và các hàng hóa khác mỗi tuần. "Nợ nước ngoài của Nga rất thấp. Họ vẫn có tài nguyên và dòng tiền chảy vào. Vì thế, với họ, việc trả nợ không phải là gánh nặng quá lớn. Chính phủ Nga vẫn muốn giữ danh tiếng chứ", Carlos de Sousa – nhà đầu tư tại Vontobel Asset Management nhận định.
"Đây là một trường hợp khá thú vị", Matthew Vogel – Giám đốc Danh mục đầu tư tại FIM Partners cho biết. Động thái này sẽ khiến Nga "trở thành con nợ muốn trả tiền mà không được".
Hạn trả lãi sắp tới của Moskva là ngày 27/5, với hai lô trái phiếu nước ngoài đáo hạn năm 2026 và 2036. Lô đầu tiên phát hành bằng USD nhưng cho phép trả nợ bằng euro, franc Thụy Sĩ hoặc bảng Anh. Các tài khoản ở Thụy Sĩ, Anh hoặc EU cũng nhận trả bằng USD.
Trong khi đó, lô trái phiếu đáo hạn năm 2036 phát hành bằng euro, nhưng có điều khoản cho phép trả bằng ruble.
Dù vậy, nếu Mỹ cứng rắn trong việc chặn thanh toán từ Nga cho nhà đầu tư Mỹ, các điều khoản này có thể không đủ giúp Nga lách lệnh trừng phạt. Ngày 24/6, Nga sẽ phải thanh toán một khoản lãi bằng USD cho lô trái phiếu đáo hạn năm 2028.
Hà Thu (theo Bloomberg)