Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố cho thấy năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương (những nơi có thể thu thập số liệu) – thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần.
So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam vẫn có khoảng cách lớn, chỉ bằng một phần năm Malaysia và hai phần năm Thái Lan.
Đặc biệt, tốc độ tăng năng suất lao động giảm đi tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% mỗi năm – mức cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%.
Theo một cuộc khảo sát về nhu cầu về kỹ năng với hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở khu vực miền Trung Việt Nam, tất cả chủ lao động đều cho rằng sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu của họ. Nguyên nhân là vì thiếu sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo.
Tại một cuộc hội thảo diễn ra tháng 8 năm ngoái do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức, báo cáo của Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, tình trạng thể lực của lao động Việt Nam ở mức trung bình kém, cả về chiều cao, cân nặng cũng như sức bền, sự dẻo dai. Do đó, người lao động chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong việc sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế. Hơn nữa, kỷ luật của lao động Việt Nam còn kém so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Các số liệu tại hội thảo này cũng cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt khoảng 61,4% mức bình quân của các nước trong khu vực ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia, bằng 12% so với Singapore và 22% của Malaysia.
Báo cáo khác mới đây của ILO có chủ đề “Con đường đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015: Những thách thức và cơ hội đối với các doanh nghiệp cũng cho thấy, kỹ năng không đáp ứng được yêu cầu công việc đang là mối lo ngại lớn trong toàn khu vực.
Gần 50% chủ sử dụng lao động trong khối ASEAN được khảo sát đã cho biết người lao tốt nghiệp phổ thông không có được kỹ năng họ cần. Trong khi đó, hơn 50% nói rằng cử nhân tốt nghiệp đại học có được những kỹ năng có ích nhưng tỷ lệ tuyển sinh giáo dục đại học vẫn còn thấp. Các kỹ năng cần nhất là quản lý và lãnh đạo, tiếp đó là chuyên môn và tay nghề, dịch vụ khách hàng.
Ngọc Tuyên