Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khởi xướng "Make In India" vào tháng 9/2014. Không dừng lại ở vai trò là khẩu hiệu, "Make In India" là những hành động thực tế trong quy trình và chính sách công, thể hiện đổi mới tư duy lãnh đạo của Chính phủ đất nước 1,3 tỷ dân.
Mục tiêu của kế hoạch là biến Ấn Độ thành trung tâm công nghiệp toàn cầu, khuyến khích các công ty trong lẫn ngoài nước sản xuất sản phẩm ngay tại Ấn Độ, thu hút vốn đầu tư quốc tế và tạo thêm hàng triệu việc làm cho người dân.
"Hãy đến và làm ở Ấn Độ. Hãy đến và sản xuất tại Ấn Độ. Bạn có thể bán hàng ở bất kỳ nước nào trên thế giới, nhưng hãy sản xuất ở đây. Chúng tôi có kỹ năng, tài năng, kỷ luật để thực hiện điều đó", Thủ tướng Modi giới thiệu về sáng kiến quốc gia này trong sự kiện vào tháng 8/2014.
Sáng kiến đưa ra trong bối cảnh cơ cấu kinh tế của quốc gia này đối diện với rủi ro mất cân bằng. Kể từ 1991, nhóm ngành công nghiệp chỉ góp trung bình 16% tổng sản phẩm trong nước (GDP), trong khi nhóm ngành dịch vụ chiếm đến 56,5%.
Khu vực dịch vụ cũng là nhân tố then chốt giúp Ấn Độ tăng trưởng kinh tế, tăng giao thương quốc tế và vốn đầu tư, đối lập với hầu hết các quốc gia phát triển khác như Mỹ, Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc, chiếm đến 22,4% ngành công nghiệp toàn cầu, con số này của Ấn Độ dừng lại ở 2%. Năm 2013, Ấn Độ vào danh sách năm nền kinh tế có dấu hiệu đổ vỡ - Fragile Five.
Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ tại Ấn Độ tuyển dụng chủ yếu người nói tiếng Anh, có trình độ và tay nghề cao. Do đó nhóm ngành này dù chiếm phần lớn GDP lại không thể đáp ứng năng lực của số đông lao động trình độ học vấn hạn chế, vốn chỉ phù hợp làm việc tại các công xưởng sản xuất.
Sau khi phát động, nhiều thay đổi lập tức được ban hành bởi Bộ Công thương Ấn Độ, tập trung vào 25 lĩnh vực kinh doanh, bao gồm cả các ngành sản xuất công nghệ cao như không gian vũ trụ, năng lượng tái tạo, ôtô, hàng không, IT, sinh học...
Trong thời gian ngắn, các quy trình lạc hậu và tạo điểm nghẽn cho kinh tế công nghiệp bị dỡ bỏ, thay vào đó là hệ thống kỹ thuật số minh bạch, thân thiện cho các nhà đầu tư. Chính phủ còn cho phép FDI tối đa cho các lĩnh vực quan trọng của quốc gia bao gồm đường sắt, công nghiệp quốc phòng, bảo hiểm và thiết bị y tế... Chính phủ cũng thành lập các đội nhóm nhằm thúc đẩy hợp tác, gỡ rối khúc mắc cho các nhà đầu tư quốc tế như "Japan Plus" cho Nhật Bản, "Korea Plus" cho Hàn Quốc...
Sau thời gian ngắn vận hành, sáng kiến tạo ra hàng loạt thay đổi quan trọng cho kinh tế Ấn Độ. Tháng 4/2015, nguồn vốn FDI tăng 48% so với cùng kỳ, đạt 60,1 tỷ USD; vốn đầu tư gián tiếp FII tăng 717%, đạt 40,9 tỷ USD, theo India Times. Trong khi đó sự kiện "Tuần lễ Make In India" diễn ra tháng 2/2016 cũng kêu gọi 221 tỷ USD vốn đầu tư cam kết.
Trong "Make In India", 6 trong số 25 nhóm ngành chứng kiến nhiều tăng trưởng đáng kể gồm sản xuất ôtô, thiết bị di động và hệ thống điện tử, năng lượng tái tạo, đường giao thông, dược phẩm và thực phẩm.
Đơn cử, sản lượng điện thoại di động thông minh sản xuất tại Ấn Độ tăng từ 60 triệu sản phẩm trong giai đoạn 2014 lên 110 triệu sản phẩm trong 2015. Từ các "ông lớn" quốc tế Xiaomi, Samsung, Huawei, Gionee đến các doanh nghiệp nội địa đều thành lập dây chuyền sản xuất tại Ấn Độ. Hiệp hội Viễn thông và Điện tử Ấn Độ dự đoán ngành công nghiệp di động sẽ đạt 230 tỷ USD vào năm 2025, sản xuất 1,2 tỷ chiếc và đưa quốc gia này thành công xưởng smartphone lớn nhất thế giới.
Ví dụ thành công khác của "Make In India" thuộc lĩnh vực năng lượng sáng tạo, được ví như "ngành công nghiệp trắng" bởi sự thông thoáng trong môi trường đầu tư. Cochin Airport trở thành cảng hàng không đầu tiên trên thế giới vận hành hoàn toàn bằng điện mặt trời. Dự án điện mặt trời tại huyện Kamuthi, bang Tamil Nadu vào danh sách lớn nhất thế giới.
"Make In India" cũng trở thành một trong những sáng kiến chính phủ phát triển và lớn mạnh nhanh chóng nhất trên mạng xã hội với 2,1 tỷ tiếp cận, 3 triệu người theo dõi trên fanpage Facebook chính thức.
Thông điệp "Make in Vietnam" cũng được nhắc đến trong cuộc họp báo trước thềm Diễn đàn Quốc gia về Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam 2019, sẽ diễn ra ngày 9/5 tại Hà Nội. Diễn đàn sẽ là nơi các Bộ, ban ngành cùng hơn 1.000 doanh nghiệp bàn thảo về cách đưa ngành công nghệ Việt Nam cất cánh. Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, với sự tham gia và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Báo VnExpress phối hợp tổ chức. Nội dung diễn đàn sẽ được livestream trực tiếp trên VnExpress và Fanpage VnExpress. Chương trình có sự đồng hành của Công ty Cổ phần VNG, VCCorp, VSmart, CMC, MISA, Saigontourist, MK Group. |
Bảo An