Nói với VnExpress, một lãnh đạo của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ước tính sơ bộ năm 2020, ngân hàng lãi hợp nhất trước thuế 23.000 tỷ đồng, xấp xỉ năm 2019.
Với 5 đợt giảm lãi suất cùng với việc giảm các loại phí dịch vụ trong năm, Vietcombank đã giảm khoảng 4.000 tỷ lợi nhuận hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đây cũng là một trong những lý do khiến lợi nhuận của Vietcombank đi ngang.
Đến hết năm 2020, Vietcombank tăng trưởng dư nợ tín dụng 14% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ dư nợ tín dụng bán lẻ của Vietcombank được đẩy mạnh, tăng từ mức 50,6% hồi đầu năm lên 53,5% tổng dư nợ.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank giảm từ 0,77% hồi đầu năm xuống còn 0,6%, thuộc nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết nhà băng này đã trích lập dự phòng gần 10.000 tỷ đồng, nâng tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu từ mức 182% hồi đầu năm lên xấp xỉ 380%. Đến hết 2020, dư nợ tái cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01 là khoảng 5.500 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng dư nợ.
Vietcombank đã trích lập đầy đủ cho cả các khoản nợ cơ cấu do Covid-19 theo Thông tư 01 dù quy định hiện nay chưa bắt buộc, lãnh đạo ngân hàng cho biết. Khi thu hồi được một phần hoặc toàn bộ khoản nợ này, số tiền trích lập dự phòng sẽ được hoàn nhập vào dự phòng hoặc hạch toán vào thu nhập bất thường, cải thiện lợi nhuận cho những kỳ sau.
Hiện nay, mức trích lập dự phòng 380% của Vietcombank cũng là cao kỷ lục, bỏ xa so với tỷ lệ trích lập từ 40% đến 150% của các nhà băng trên hệ thống. Với tỷ lệ này, mỗi một đồng nợ xấu, ngân hàng dự phòng chi phí rủi ro lên tới 380 đồng.
Quỳnh Trang