Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - DCM) có hơn 2.800 tỷ đồng doanh thu quý đầu năm, giảm hơn 30% so với quý I/2022.
Nguyên nhân là giá phân bón giảm mạnh, riêng phân urê bình quân ba tháng đầu năm giảm hơn 32%. Trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp này, phân urê chiếm hơn 80% nên doanh thu dòng phân bón này giảm gần 40% trong quý I.
Giá vốn và nhóm chi phí thường xuyên tăng, trong đó mạnh nhất là chi phí bán hàng (tăng hơn 55%).
Tổng lại, DCM có gần 230 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm gần 85% và thấp nhất hai năm qua. Con số này đưa lợi nhuận của công ty về ngang mức trước giai đoạn kinh doanh đạt đỉnh, nhờ giá phân bón cao kỷ lục. Quý đầu năm ngoái, doanh nghiệp này từng lãi gần 17 tỷ đồng mỗi ngày.
Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán Sacombank (SBS) cho rằng Đạm Cà Mau đã đi qua đỉnh lợi nhuận. Bởi giá bán urê thế giới liên tục giảm mạnh, xuống 335 USD một tấn, giảm gần 70% so với đỉnh hồi giữa tháng 4 năm ngoái và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Các nhà sản xuất ở châu Âu mở rộng sản xuất nhờ giá nguyên, nhiên liệu đầu vào giảm khi nguồn khí đốt tự nhiên và nhập khẩu LNG dồi dào, nguồn cung từ Nga và Trung Quốc tăng mạnh thời gian qua. Diễn biến giá cả thế giới như trên ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trong nước.
Chính ban lãnh đạo DCM cũng cảm nhận rõ những khó khăn trong năm nay nên đặt chỉ tiêu doanh thu khoảng 13.460 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 1.380 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 68% so với năm 2022. Trong báo cáo thường niên, ban lãnh đạo công ty cho rằng năm 2023, ngành phân bón được dự báo vẫn đối diện với các vấn đề nóng chưa có hồi kết. Sau quý I, doanh nghiệp này hoàn thành khoảng 21% chỉ tiêu doanh thu nhưng chỉ mới đạt gần 17% kế hoạch lợi nhuận.
Chứng khoán SBS nhận định, với việc giá phân urê giảm mạnh những tháng gần đây chắc chắn sẽ là thách thức lớn với DCM. Ngoài ra, nguồn cung urê trong nước đang dư thừa. Xuất khẩu urê của Trung Quốc và Nga sẽ tăng trong năm nay cũng khiến doanh nghiệp này chịu thêm áp lực cạnh tranh từ hàng ngoại nhập.
Tất Đạt