Tại cuộc họp báo chiều nay (10/7), Bộ Kế hoạch Đầu tư công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019, tài liệu về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam được biên soạn bởi Tổng cục Thống kê. Đây là lần đầu tiên Sách trắng về doanh nghiệp được công bố.
Ấn phẩm năm 2019 dự kiến xuất bản trên trang thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tổng cục Thống kê vào ngày 22/7 và phát hành bản in vào ngày 1/8.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê, Sách trắng cung cấp thông tin chi tiết nhất về thực trạng phát triển doanh nghiệp theo ngành kinh tế, theo loại hình doanh nghiệp và theo địa phương. Mục đích của tài liệu này giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có thêm thông tin trong hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển bền vững và hiệu quả doanh nghiệp.
Sách trắng 2019 gồm 4 cấu phần: Bối cảnh phát triển doanh nghiệp năm 2018; Tổng quan phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; Các giải pháp phát triển doanh nghiệp và Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2018 và giai đoạn 2016-2018.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, giai đoạn 2016-2018 là "thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của doanh nghiệp trong lịch sử", với số lượng và quy mô doanh nghiệp thành lập mới liên tiếp đạt mức kỷ lục. Trung bình mỗi năm có gần 123.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường với số vốn đăng ký đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 49,3% về số lượng và 156% về số vốn so với giai đoạn 3 năm trước đó.
Với tốc độ tăng nhanh quy mô doanh nghiệp, sự ra đời của Sách trắng được Bộ trưởng Dũng đánh giá là sự khẳng định của Chính phủ, các Bộ, ngành về việc xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn bằng những hành động cụ thể nhất.
Đánh giá cao về tài liệu này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét: "Sách trắng là căn cứ để so sánh hiệu quả kinh tế, để các doanh nghiệp tự biết mình đang đứng ở đâu, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI hoạt động ra sao, đóng góp vào GDP, xuất khẩu, thu ngân sách như thế nào".
Tuy nhiên, người đại diện Chính phủ đề xuất cần có thêm sự so sánh giữa những chỉ tiêu với quy mô của khu vực và thế giới. Ví dụ quy mô doanh nghiệp trên 1.000 người trong độ tuổi lao động tại từng địa phương, ông Huệ cho rằng cần có sự so sánh để biết mức độ trung bình 14,7 doanh nghiệp trên 1.000 người của Việt Nam "là cao hay thấp, có cần cải thiện hay không so với khu vực và thế giới".
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng đề nghị Tổng cục Thống kê xây dựng bộ chỉ tiêu chung để đưa ra một bảng xếp hạng tổng thể. "Hiện tại chúng ta dùng quá nhiều tiêu chí, cơ quan soạn thảo cần xây dựng bộ chỉ số để đưa về mặt bằng chung sắp xếp thứ hạng từng doanh nghiệp, từng địa phương", ông Huệ nói.
Cơ sở dữ liệu soạn thảo Sách trắng gồm: Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê điều tra hàng năm; cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch Đầu tư); cơ sở dữ liệu thuế (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) và các nguồn thông tin khác.
Sách trắng hàng năm sẽ được công bố thường niên vào cuối quý I, trong đó bao gồm những thông tin hiện trạng doanh nghiệp tính tới cuối năm gần nhất và kết quả kinh doanh trước đó một năm.
Minh Sơn