Hiện tại tôi sống tại TP HCM và có khoảng 200 triệu đồng tiền nhàn rỗi nhưng không biết làm gì để sinh lãi. Hiện tại, với số tiền ít ỏi này, tôi nghĩ sẽ khó làm gì to tát. Mong nhận được lời khuyên của chuyên gia.
Nguyễn Minh Vệ
Chuyên gia tư vấn:
Vì bạn không nêu rõ độ tuổi, mục tiêu tài chính và khả năng chịu rủi ro, nên tư vấn sau đây chỉ tập trung vào các kênh truyền thống gồm gửi tiết kiệm hoặc mua tích sản như vàng và chứng khoán, theo mức độ rủi ro tăng dần.
Về gửi tiết kiệm, mặt bằng lãi suất hiện tại cho gói kỳ hạn một năm trung bình khoảng 5-6%. Đây là kênh sinh lãi an toàn nhất vì ít có rủi ro mất vốn và lợi nhuận được đảm bảo, nhưng tỷ suất sinh lời không cao, đặc biệt nếu so với độ mất giá của tiền đồng. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 3 tháng đầu năm tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước.
Với vàng, lợi thế của kênh này thường được xem là tài sản trú ẩn, phòng ngừa rủi ro khi thị trường biến động như chiến tranh, thiên tai... mặc dù tỷ suất sinh lời khá khiêm tốn so với các loại tài sản khác.
Tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) của vàng trong giai đoạn 2010-2021 chỉ ở mức 8%. Khi Covid-19 mới bùng phát, rủi ro bất ổn khiến nhiều nhà đầu tư hay đầu cơ tăng tỷ trọng tài sản sang vàng, đẩy giá kim loại quý này lên đỉnh. Gần đây, khi tình hình địa chính trị Nga - Ukraine bắt đầu trở nên căng thẳng, giá vàng leo thang.
Tuy nhiên, vàng thường được bán ra đầu tiên khi rủi ro biến động qua đi, nên người dân cần lưu ý không nên mua vào khi thị trường đang ở đỉnh của biến động.
Ngoài ra, chênh lệch của giá vàng trong nước so với thế giới cũng có nhiều đợt giãn rộng, thời điểm cao nhất lên đến 20 triệu đồng một lượng. Do đó, người mua cũng cần lưu ý để hạn chế rủi ro.
Riêng với chứng khoán, kênh này mang lại hiệu quả sinh lời nhỉnh hơn vàng khi CAGR giai đoạn 2010-2021 đạt 11%. Tuy nhiên, đi kèm là rủi ro biến động lớn, trong một ngày giao dịch, một cổ phiếu có thể tăng hay giảm trong mức 14-28%.
Ngoài ra, việc nghiên cứu đầu tư chứng khoán cũng cần nhiều kiến thức chuyên biệt và cần nhiều thời gian hơn. Nhà đầu tư có thể xem xét mua vào các chứng chỉ quỹ mở, được quản lý bởi những công ty quản lý quỹ với đội ngũ có chuyên môn và kinh nghiệm trên thị trường.
Tùy theo khẩu vị rủi ro, bạn có thể cân nhắc chia % đầu tư trên tổng số vốn 200 triệu vào các tài sản trên. Bạn cũng có thể tham khảo mô hình gửi tiết kiệm 20%, vàng 30% và chứng khoán 50% (tức khoảng 100 triệu đồng).
Với số vốn 100 triệu đồng, nàh đầu tư có thể mở tài khoản tại các công ty chứng khoán truyền thống. Tuy nhiên, do quy định của Ủy ban chứng khoán về giao dịch cổ phiếu theo lô 100, số vốn trên sẽ gặp hạn chế khi mua những cổ phiếu có thị giá lớn như FPT, MWG, VIC... Vấn đề này có thể được giải quyết thông qua các công ty công nghệ chứng khoán cho phép người dùng mua lô lẻ với vốn ít.
Ngoài ra, bạn không nên "bỏ trứng vào một rổ" để giảm thiểu rủi ro tập trung, đa dạng danh mục đầu tư. Bạn cũng nên tìm hiểu và sở hữu nhiều cổ phiếu thuộc các nhóm ngành khác nhau trên thị trường.
Hy vọng với những thông tin trên, bạn có thể tìm ra phương án tốt nhất cho mình.
Nguyễn Tường Huy - Chuyên gia tài chính Anfin