Báo cáo tài chính quý III niên độ tài chính 2018-2019 của Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (mã SBT) ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội so với 6 tháng đầu niên độ cũng như cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, lợi nhuận trước và sau thuế của doanh nghiệp trong quý lần lượt là 287 tỷ đồng và 284 tỷ đồng, tăng 80% và 106% so với quý III niên độ trước. Còn nếu so với 6 tháng đầu niên độ, các chỉ số lợi nhuận này thậm chí đã cao gấp 6 lần và 143 lần. Lũy kế sau 9 tháng, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của SBT đạt 350 tỷ đồng và 286 tỷ đồng.
Kết quả này, theo đại diện doanh nghiệp, đến từ việc tận dụng hiệu quả và tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, tích cực mở rộng mạng lưới các kênh bán hàng cũng như tập trung mạnh vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Công ty đã tung ra thị trường hơn 26 sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng khách hàng.
Doanh thu tăng trưởng ở cả 4 kênh phân phối
Doanh thu thuần lũy kế 9 tháng ở mức 8.165 tỷ đồng, hoàn thành 71% kế hoạch năm và tương đương cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu chủ yếu đến từ việc tiêu thụ gần 540.000 tấn đường, vượt 19% cùng kỳ và đạt 64% kế hoạch năm. 4 kênh tiêu thụ chủ chốt góp phần quan trọng trong cơ cấu doanh thu cũng như phù hợp định hướng phát triển dài hạn của SBT vẫn được duy trì tốt là doanh nghiệp (B2B), thương mại, tiêu dùng (B2C) và xuất khẩu. Riêng trong quý III, tổng sản lượng tiêu thụ ghi nhận 163.000 tấn, tăng 26% cùng kỳ.
Trong đó, sản lượng đường tiêu thụ qua kênh doanh nghiệp (B2B) cao hơn quý III niên độ trước hơn 29%, chiếm 45% trong cơ cấu sản lượng và 47% doanh thu đường. Kênh B2B bao gồm 2 nhóm đối tượng khách hàng là công nghiệp lớn (MNC) và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Đến cuối quý III, sản lượng đường tiêu thụ lũy kế thông qua kênh SME đạt khoảng 68.000 tấn, tăng 40%.
"Tại Việt Nam, hơn 90% doanh nghiệp là vừa và nhỏ, nhưng lại đóng góp tới 45% GDP nên đây thực sự là một phân khúc cần được đặc biệt chú trọng", đại diện doanh nghiệp lý giải về lý do chú trọng nhóm khách hàng SME.
Thống kê của SBT cho thấy, thị trường đang có hơn 10.000 khách hàng tiềm năng thuộc phân khúc SME kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm. Trong đó, doanh nghiệp đang chiếm giữ 10% thị phần và dự kiến tăng lên 16% trong niên độ 2020-2021. Đối với phân khúc MNC, công ty chiếm thị phần rất cao, khoảng 61% và dự kiến tiếp tục tăng lên 76% giai đoạn 2020-2021.
Sản lượng đường phân phối qua kênh thương mại cũng tăng hơn 36% trong quý vừa qua, tương đương 35% sản lượng và đóng góp 33% doanh thu ngành đường.
Riêng kênh tiêu dùng (B2C) có lượng hấp thụ tăng hơn 10%, bằng 10% sản lượng và 12% doanh thu đường. SBT tiếp tục đẩy mạnh phát triển hàng loạt các sản phẩm mới phục vụ cho thị trường tiêu dùng bình dân nhưng chất lượng vẫn đảm bảo dựa trên thế mạnh kênh phân phối sẵn có.

Sản phẩm đường của SBT có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị lớn.
Gần đây, công ty cho ra đời các sản phẩm với quy cách đóng gói 5kg và 12kg mỗi túi, bên cạnh các quy cách đóng gói trước đây 50kg, 25kg, 1kg và 500gr để đáp ứng nhu cầu đa dạng khách hàng. Doanh nghiệp hiện sở hữu 91 nhà phân phối, 3.600 cửa hàng tiện lợi, siêu thị, chuỗi cửa hàng và hơn 60.000 cửa hàng bán lẻ. SBT cũng đang chạy thử hệ thống bán lẻ thông qua kênh thương mại điện tử.
"Kỳ vọng của chúng tôi khi kênh này đi vào hoạt động ổn định là sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn, đưa sản phẩm đường thương hiệu TTC Biên Hòa đến tay người tiêu dùng nhanh và dễ dàng hơn", đại diện đơn vị chia sẻ.
Thị phần ghi nhận của kênh hiện đại (MT) đang đạt mức 50% và dự kiến sẽ tăng lên 73% cho niên độ 2020-2021. Riêng kênh truyền thống (GT) chỉ đạt mức khiêm tốn 10% nhưng kỳ vọng sẽ tăng trưởng bứt phá lên 54% trong vòng 2 năm tới.
Kênh xuất khẩu có mức tăng trưởng sản lượng gần 4%, chiếm 10% sản lượng và 8% doanh thu đường nói chung. Trong quý này, công ty đã tăng thêm 3 thị trường mới, nâng tổng thị trường xuất khẩu đường lên 17 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Kenya, Mỹ, Bulgaria, Czech, Pháp, Italy, Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Indonesia, Campuchia, Sri Lanka, Samoa, Nauru và Tahiti.
Doanh thu từ các sản phẩm cạnh đường và sau đường như mật rỉ, điện sinh khối và phân bón cũng có sự vươn lên trong quý vừa qua. Cụ thể, đường đóng góp 83% doanh thu thuần lũy kế và vẫn là mặt hàng chủ đạo; còn mật rỉ mang về 3% doanh thu thuần, vượt 121% cùng kỳ; điện chiếm 2% doanh thu, tăng 79%; phân bón giữ 1%, cao hơn 22% và doanh thu khác là 11%, không có sự thay đổi đáng kể.
Biên lợi nhuận gộp mảng đường quý III đã cải thiện 13%, tăng mạnh 160% so với bình quân 5% của lũy kế 6 tháng. Kết quả này là do toàn bộ sản lượng đường tồn kho với giá vốn cao đã tiêu thụ hết ở 2 quý trước, cũng như sản lượng đường mới kiểm soát tốt chi phí đầu vào. Giá vốn hàng bán nhờ đó giảm 7%, đưa biên lợi nhuận gộp đạt 12% cho quý.
Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính quý 3 cũng ghi nhận tăng 107% so với cùng kỳ, đạt 348 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ lãi thanh lý các khoản đầu tư hiệu quả và lãi tiền gửi ngân hàng.
Lũy kế 9 tháng, tỷ trọng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp hoặc doanh thu thuần không thay đổi dù công ty đang tích cực thực hiện chiến lược mở rộng thị phần, đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối B2C thông qua các kênh và chuỗi phân phối bán lẻ. Với định hướng tinh gọn bộ máy và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị doanh nghiệp, chi phí quản lý doanh nghiệp đã giảm 8% so cùng kỳ.
Cơ cấu vốn cải thiện
Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản của SBT giảm nhẹ 3% so với thời điểm đầu niên độ, đạt 17.247 tỷ đồng. Điều này một phần do công ty tiếp tục kiểm soát tốt hàng tồn kho khi chỉ tiêu này giảm 19%, ở mức 3.215 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 19% tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu của SBT tăng gần 2% đạt 6.201 tỷ đồng, chủ yếu do công ty tăng vốn điều lệ hơn 5% sau khi hoàn thành phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức cho cổ đông.
Nợ phải trả giảm 5%, trong đó nợ ngắn hạn sụt gần 4% và nợ vay ngắn hạn bớt 11%, khoảng 834 tỷ đồng. Nợ dài hạn cũng cải thiện khi giảm 9%, tương đương 244 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ của SBT đang nằm trong giới hạn kiểm soát rủi ro tài chính và đảm bảo hiệu quả hoạt động của công ty.
Với sự cải thiện đáng kể của hàng tồn kho, đầu tư tài chính ngắn hạn và hiệu quả của hoạt động tái cấu trúc nợ, các chỉ số về khả năng thanh toán và cơ cấu vốn của SBT đều cải thiện tích cực. Kết thúc quý III, hệ số thanh toán hiện hành và nhanh đạt lần lượt 1,17 lần và 0,80 lần, tương đương trung bình ngành, tăng 7% và 21% so với đầu kỳ. Hệ số nợ vay trên tổng tài sản và nợ vay trên vốn chủ sở hữu cuối tháng 3 là 0,53 lần và 1,48 lần, giảm lần lượt 9% và 12% so với đầu niên độ.
Lộc An