Vấn đề tính bền vững và kỷ luật trong chính sách tài khóa của Việt Nam vừa được Tiến sĩ Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính - đưa ra bàn luận tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2013. Theo ông, kỷ luật tài khóa trong chi tiêu công chưa được tôn trọng và khu vực thường xuyên vượt dự toán lại chính là hành chính công - lĩnh vực đang có chủ trương cải cách mạnh mẽ nhất.
Bên cạnh đó, hầu hết các khoản chi tiêu thường xuyên vượt dự toán, thậm chí một số năm, chi đầu tư phát triển vượt rất cao như 2009 (60,8%), năm 2010 (45,9%). Tương tự với chi cho khoa học công nghệ thường xuyên không đạt dự toán với tỷ lệ trung bình 2005-2012 là 89,8%. "Phải chăng không tìm được đề tài khoa học thích hợp để đầu tư hay thủ tục để thực hiện cho nghiên cứu khoa học là quá phức tạp nên không thể giải ngân hết", ông Cường đặt câu hỏi.
Để tăng tính kỷ luật tài khóa, theo vị chuyên gia này nên thay đổi các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách thành các luật ngân sách hàng năm. "Điều này cho phép tăng cường tính kỷ luật ngân sách và hạn chế tính trạng chi chuyển nguồn như hiện nay", ông giải thích.
Kỷ luật tài khóa yếu kém còn được thể hiện ở công tác quản lý thuế còn lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho nhiều khu vực kinh tế né, trốn thuế. Bằng chứng là 3 năm gần đây, tỷ lệ đóng góp ngân sách của khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng tăng lên nhưng khu vực FDI lại giảm đi dù nhóm này có kết quả kinh doanh khởi sắc hơn nhiều.
Bên cạnh đó, theo ông Cường, ngân sách Việt Nam có nhiều đặc điểm "không giống" với các nền kinh tế trong khu vực như quy mô thu ngân sách quá lớn nhưng lại phụ thuộc nhiều vào những nguồn thu không bền vững, góp phần gây áp lực đến thâm hụt ngân sách.
Giai đoạn 2001-2008, quy mô thu ngân sách của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, chỉ sụt nhẹ trong 2 năm khó khăn 2009, 2012. Tính chung từ năm 2006-2012, số liệu của IMF cho biết tổng thu ngân sách Nhà nước chiếm tới 28% GDP - mức khá cao so với các nước đang phát triển. "Quy mô thu ngân sách của Việt Nam tương đương các nước có xuất khẩu dầu và cao hơn nhiều các nước có thu nhập thấp", ông Cường nhận xét. Theo ông, với đặc điểm hiện nay về thể chế, cơ cấu kinh tế, xã hội, Việt nam chỉ nên thu cân đối ngân sách khoảng 23-24,5% GDP.
Báo cáo phân tích về nợ công mới đây của Ủy ban Kinh tế cũng đề cập đến mức độ cao của quy mô thuế, phí tại Việt Nam. Bản báo cáo này dẫn số liệu IMF cho thấy, ngoài "thuế lạm phát" hàng năm ở mức hai con số, tỷ lệ thuế phí trên GDP của Việt Nam hiện cao gấp từ 1,2-1,8 lần so với các nước khác trong khu vực. Quy mô thu ngân sách nhiều để lại nhiều hậu quả, một trong số đó là gánh nặng thuế, phí rất lớn lên xã hội, giảm đầu tư của khu vực doanh nghiệp. Không chỉ vậy, theo chuyên gia Vũ Sỹ Cường, nó cũng gây bất lợi cho Chính phủ bởi nhà điều hành còn rất ít không gian để có thể giảm thâm hụt ngân sách qua tăng thuế.
Ngoài ra, thu ngân sách hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào những nguồn thu thiếu tính bền vững, thậm chí cả những khoản thu chỉ xuất hiện một lần. Hiện nay, thuế từ xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 20% thu ngân sách trong 5 năm gần đây. Nếu thực hiện đầy đủ các cam kết với WTO và sắp tới có thể là TPP, nguồn thu này chắc chắn sẽ giảm. Ngược lại, Việt Nam vẫn còn loay hoay trong việc đi tìm kiếm nguồn thu thay thế để đảm bảo ngân sách không bị thâm hụt trầm trọng hơn.
Ông Vũ Sỹ Cường cũng đề xuất, có 3 loại thuế mà Việt Nam có thể kỳ vọng tăng thu trong tương lai là thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế với bất động sản. Hiện nay thu thuế từ bất động sản (không tính lệ phí trước bạ) chỉ chiếm 0,17% tổng thu so với mức trung bình trên 1% ở các nước đang phát triển.
Thanh Thanh Lan