Trong bối cảnh căng thẳng thương mại thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong 9 tháng đầu năm 2019. Theo đó, GDP 9 tháng tăng 6,98% - mức tăng cao nhất trong vòng 9 năm qua. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, bình quân 9 tháng tăng 2,5%, thấp nhất trong 3 năm. Việt Nam cũng xuất siêu 5,9 tỷ USD nhờ kim ngạch xuất khẩu lên tới 194 tỷ USD.
Với kết quả tăng trưởng khá, Việt Nam được các chuyên gia, tổ chức tài chính thế giới đánh giá là điểm sáng trong khu vực, cũng như điểm đến hấp dẫn trong xu hướng dịch chuyển đầu tư của thế giới.
Ông Jacques Morisset - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng trong bối cảnh tình hình bên ngoài nhiều thách thức như hiện tại, Việt Nam là một điểm sáng trong khu vực. Hai động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng nội địa và tính cạnh tranh trên toàn cầu.
Theo các nhà quan sát, căng thẳng thương mại không phải là lý do duy nhất khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Sức hút còn đến từ những yếu tố kinh tế vĩ mô thuận lợi và thị trường bất động sản với nhiều triển vọng. Chủ đề này được thảo luận chi tiết trong tọa đàm "Tầm nhìn thị trường - Property Insight" kỳ 5 do SonKim Land phối hợp kênh FBNC sản xuất.

Ông Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.
Với chủ đề "Xu thế tích cực của kinh tế Việt Nam bất kể thách thức đến từ thế giới", buổi tọa đàm cung cấp góc nhìn của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Ông Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nhận định, Việt Nam là một trong những nền kinh tế "mở" nhất thế giới. Tỷ lệ thương mại trên GDP tại Việt Nam hơn 200%, thuộc nhóm cao nhất trong số các quốc gia lớn trên thế giới.
"Căng thẳng thương mại thế giới tác động đến nhiều lĩnh vực của kinh tế Việt Nam. Nhưng đối với thương mại, đầu tư, biểu hiện tích cực vẫn chiếm ưu thế", ông Tự Anh nói.
Chuyên gia này phân tích các nhà sản xuất và công ty công nghệ đang lên kế hoạch chuyển đổi chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam, kéo theo dòng vốn đầu tư lớn. Tại Đông Nam Á, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất để dịch chuyển các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Dù chịu ảnh hưởng từ suy giảm kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam đủ mạnh để đối phó với rủi ro.

Ông Andy Kim - CEO SonKim Land.
Ông Andy Kim - CEO SonKim Land cho biết, sự quan tâm của các nhà đầu tư bất động sản đến các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cũng thể hiện rõ nét trong thời gian qua.
"Tôi cho rằng Chính phủ cần có những chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, tận dụng tiềm năng và cơ hội lớn", ông khuyến nghị.
Chương trình "Tầm nhìn thị trường - Property Insight" có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư hàng đầu Việt Nam với những phân tích chuyên sâu dành cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến thị trường Việt Nam. Từ đó tận dụng cơ hội để gia tăng đầu tư hiệu quả, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Minh Anh