Trên CNN, giới chức Đức cho biết mực nước sông Rhine đang rơi xuống mức "cực kỳ thấp" tại một số khu vực, gây gián đoạn hoạt động vận chuyển hàng hóa tại tuyến đường thủy quan trọng hàng đầu đất nước này. Lượng mưa thiếu hụt vài tháng gần đây đồng nghĩa các tàu chở hàng phải giảm tải trọng, chi phí vận chuyển tăng vọt, làm trầm trọng thêm rủi ro về điện và kinh tế.
Tháng trước, Viện Thủy văn Liên bang Đức cảnh báo nước tại trạm đo Kaub phía Tây Frankfurt thấp hơn 45% mức trung bình thời điểm này trong năm. Cơ quan này cho biết việc sông cạn nước khiến tàu thuyền "thường xuyên gặp rắc rối".
Mực nước được dự báo còn xuống thấp hơn nữa, rồi mới "tăng rất nhẹ" trong vài tuần tới, Cơ quan Quản lý Vận tải Đường thủy sông Rhine hôm qua cho biết.
Tình huống hiện tại gợi nhớ năm 2018. Con sông này cũng gặp vấn đề tương tự, khiến "vận tải hàng hóa ách tắc" và làm giảm 0,2% tăng trưởng GDP Đức, theo các nhà kinh tế học tại Deutsche Bank.
Dù mực nước hiện tại chưa thấp bằng năm đó, "các tàu chở hàng đã phải giảm tải trọng rồi", báo cáo tháng trước của ngân hàng này cho biết, "Vì thế, phí vận chuyển cũng đắt đỏ hơn". Ví dụ, tại trạm đo Kaub, mực nước dưới 75cm sẽ khiến tàu container lớn "phải giảm tải trọng xuống 30%".
Các nhà phân tích tại UBS thì cảnh báo "Thuế trả cho hàng hóa cũng tăng lên khi mực nước rơi xuống một mức nào đó".
Việc sông cạn nước cũng có thể làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Đức vốn đang đối mặt với rủi ro suy thoái vì khủng hoảng nhiên liệu, lạm phát cao và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Gần đây, họ đã phải tái khởi động các nhà máy điện than để đảm bảo đủ điện trong bối cảnh Nga giảm cung cấp khí đốt. Tuy nhiên, "phần lớn lượng than cần thiết lại được vận chuyển từ các cảng Amsterdam, Rotterdam và Antwerp của Hà Lan", dọc theo sông Rhine. Việc này sẽ càng tăng sức ép lên Đức, Deutsche Bank cảnh báo.
Theo Henri Patricot – nhà phân tích dầu mỏ tại UBS, việc nước sông xuống thấp "đang thách thức quá trình vận chuyển năng lượng và hàng hóa". Rhine là tuyến vận chuyển quan trọng cho hóa phẩm và ngũ cốc.
Trong một báo cáo tuần này, Capital Economics cho biết so với khủng hoảng khí đốt, các rắc rối từ sông Rhine "chỉ là một vấn đề nhỏ với ngành công nghiệp Đức". Tuy nhiên, tình hình có thể nghiêm trọng hơn trong năm nay.
Nếu mực nước "duy trì ở mức thấp cho đến tháng 12, GDP Đức có thể mất 0,2%" trong nửa cuối năm. "Lạm phát cũng sẽ tăng lên", theo nhà kinh tế học Andrew Kenningham.
Ngành sản xuất quy mô khổng lồ tại Đức cũng có thể chịu tác động lớn hơn. Các nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Toàn cầu Kiel trước đó ước tính mực nước thấp kéo dài một tháng sẽ khiến sản lượng công nghiệp nước này giảm 1%.
Hiện tại, giới chức Đức vẫn chưa áp hạn chế lên giao thông trên sông Rhine. Tuy nhiên, người phát ngôn một cơ quan phụ trách đường thủy cho biết trên CNN rằng trong một số trường hợp, việc vận tải có thể không khả thi nếu lượng hàng hóa chất lên tàu phải giảm mạnh.
Nhiều nước khác tại châu Âu cũng đang trải qua nắng nóng và khô hạn kỷ lục. Sông Thames biểu tượng của London hiện cũng khô cạn. Còn tại Pháp, nhiệt độ nước sông lên cao đang cản trở hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân, do các lò phản ứng cần lượng nước lớn để làm mát. Ở Italy, tình trạng khô hạn tệ nhất 70 năm qua đang ảnh hưởng đến mùa màng.
Hà Thu (theo CNN)