Hàng loạt "đại gia" về nhận kiều hối như Đông Á, Vietcombank, Sacombank, Vietinbank... đang tích cực bố trí cán bộ để chi trả kịp thời lượng kiều hối gửi về dịp sát Tết.
Đại diện Vietcombank cho biết những ngày cận Tết, ngân hàng này chi trả bình quân hơn 8 triệu USD cho khách hàng qua hai hình thức là trả vào tài khoản và chi bằng tiền mặt, tăng cao so với tháng trước đó. Tổng lượng kiều hối chuyển về qua Vietcombank trong năm 2019 vượt mức 2,5 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2018.
Tại Công ty kiều hối Đông Á, lượng kiều hối chuyển về trong tháng 12 đã tăng 12% so với bình quân các tháng năm 2019 và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Theo lãnh đạo công ty này, một phần do yếu tố mùa vụ, một phần được kích cầu bởi chương trình khuyến mãi.
Hiện tổng lượng giao dịch kiều hối tại Công ty kiều hối Đông Á đạt hơn 172.000 giao dịch mỗi tháng. Đại diện công ty này dự báo lượng giao dịch sẽ tăng 2-3 lần trong dịp Tết Nguyên đán do nhiều người tập trung gửi tiền cho người thân ăn Tết, lì xì và mừng tuổi.
Với Công ty Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, doanh thu chi trả kiều hối năm 2019 cũng rất khả quan, khi tăng trưởng gấp đôi so với năm 2018 và tốc độ tăng trưởng gấp 4 lần mức chung của cả nước. "Dịp sát Tết, lượng kiều hối sẽ tăng cao nên ngân hàng cũng có nhiều chính sách để thu hút khách gửi và nhận", đại diện Sacombank nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM thông tin, trong tháng 1/2020 - tức thời điểm Tết Nguyên đán, lượng kiều hối ước tăng 20% so với tháng 12/2019. "Các công ty kiều hối và ngân hàng phải tăng cường cán bộ để chi trả kịp thời trong dịp này", ông Minh nói.
Theo ông Minh, kiều hối năm 2019 khả quan khi các kênh đầu tư trong nước hồi phục. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết, kiều hối bình quân trong 3 năm trở lại đây đạt khoảng trên dưới 5 tỷ USD mỗi năm. Lượng kiều hối chính vẫn từ Mỹ, Anh, Canada. Bên cạnh đó là lực lượng xuất khẩu lao động sang các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... cũng đóng góp ngày càng nhiều.
Năm qua, kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và sức ép tăng tỷ giá do tâm lý thị trường bị loại bỏ chính là nguyên nhân lớn khiến người nhận kiều hối dần chuyển từ ngoại tệ sang nắm giữ tiền đồng.
Nhờ đó, tỷ giá USD/VND từ đầu năm đến nay khá ổn định dù thị trường thế giới biến động mạnh. Đến 14h30 ngày 22/1, mỗi USD được các ngân hàng niêm yết quanh 23.110 - 23.240 đồng, không thay đổi nhiều ngày qua.
Lệ Chi