Thủ tướng yêu cầu báo cáo kết quả xác minh nghi vấn Công ty cổ phần Điện tử Asanzo bán hàng Trung Quốc nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam trước 31/7. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của vụ việc, kết quả xác minh đã không thể công bố đúng hạn và gần đây, đại diện Ban chỉ đạo 389 cho biết sẽ công bố vào 30/8.
Tại cuộc họp báo chiều 4/9 khi thời hạn công bố đã qua, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, hiện vẫn chưa có kết luận. "Hiện nay Bộ Tài chính thực hiện đầy đủ nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng", ông Thi nói.
Còn ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương cho biết đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo 389 thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, chức trách được giao.
Sáng nay (4/9), ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Asanzo cho biết đã cùng luật sư đến Bộ Tài chính yêu cầu cung cấp dự thảo kết luận nhưng cũng chưa nhận được câu trả lời.
Dù kết quả xác minh chưa được công bố, theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389, trong 38 doanh nghiệp do Sở Kế hoạch & Đầu tư, Cục Hải quan TP HCM cung cấp, rất nhiều địa chỉ không có thực hoặc doanh nghiệp đã dừng hoạt động.
Điển hình là công ty TNHH sản xuất thương mại Đầu tư Văn Đoàn (địa chỉ tại số 169/15 đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Tân Phong, Quận 7). Trên thực tế, địa chỉ nêu trên là không có thực và không có Công ty Văn Đoàn hoạt động tại địa bàn Quận 7. Tương tự, Công ty TNHH Đầu tư thương mại XNK Gia Bảo (Số 162/13/12 đường TTN08, khu phố 6, phường Tân Thới Nhất, Quân 12). Tại địa chỉ này là nhà ở riêng lẻ nên không có hoạt động sản xuất, chứa trữ, kinh doanh...
Một doanh nghiệp không tra cứu được thông tin, ba doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở không thuộc địa bàn TP HCM (công ty TNHH Poylink, công ty CP đầu tư công nghệ điện tử Asanzo và công ty TNHH Lotte Global Logistics Việt Nam).
Ngày 30/8, Công ty Asanzo cho biết trong 70 ngày chờ kết luận thanh tra về nghi án "bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam", mỗi ngày công ty mất 1 tỷ đồng do hệ thống bán hàng tê liệt, nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động. Khoản tiền này chưa gồm các chi phí phát sinh khác. Do đó, công ty phải "bất đắc dĩ thông báo ngừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh", nhưng vẫn duy trì hoạt động bảo trì bảo hành để bảo đảm quyền lợi sau mua hàng của người tiêu dùng.
Theo điều tra của báo Tuổi Trẻ TP HCM, Công ty cổ phần điện tử Asanzo đã nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về bóc tem "made in China" và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Tam khẳng định không có chuyện bóc tem Trung Quốc rồi dán tem Việt Nam lên. Tivi Asanzo có 3 linh kiện được nhập từ Trung Quốc gồm: bo mạch, tấm panel và tấm kính (màn hình) chiếm khoảng 70% trên toàn sản phẩm. Còn tất cả chi tiết khác như là vỏ nhựa, remote điều khiển... do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
Cũng tại họp báo, thông tin thêm về quy định tiêu chuẩn hàng "made in Vietnam", hàng hoá xuất xứ Việt Nam, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, do đối tượng của thông tư rộng, tác động phức tạp và vụ việc Asanzo cũng chỉ là một ví dụ, nên Bộ tiếp tục nghiên cứu, ghi nhận ý kiến đóng góp để hoàn thiện. "Chúng tôi sẽ ban hành Thông tư này trong thời gian sớm nhất, đảm bảo hàng sản xuất ở Việt Nam có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp", ông Hải nói.
Nguyễn Hoài