Đây là lần hạ dự báo tăng trưởng thứ 3 của IMF kể từ tháng 10/2021. Khi ấy, IMF dự kiến GDP toàn cầu năm nay tăng 4,9%. Nhưng sau đó, tốc độ này liên tục bị hạ, còn 4,4% vào tháng 1 và 3,6% vào tháng 4.
IMF cũng giảm triển vọng tăng trưởng cho năm sau, dự kiến chỉ còn 2,9%, thấp hơn so với mức 3,6% đưa ra hồi tháng 4.
IMF cảnh báo kết quả thực tế có thể tệ hơn vì hàng loạt rủi ro hiện hữu. Đó là châu Âu đột ngột ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga; lạm phát khó kiềm chế bằng chính sách; các nước nghèo chật vật trả nợ do tài chính toàn cầu thắt chặt; và kinh tế Trung Quốc suy yếu vì chống dịch và khủng hoảng bất động sản.
Ngoài ra, sự phân hóa địa chính trị ngày càng gia tăng giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc có thể cản trở hợp tác kinh tế - thương mại toàn cầu. Theo IMF, trong kịch bản xấu, tăng trưởng toàn cầu có thể chỉ là 2,6% năm 2022 và 2% năm 2023.
Ngược lại, dự báo lạm phát được nâng lên. Mức sống của người dân trên thế giới ngày càng bị thắt chặt. Giá tiêu dùng dự kiến tăng 6,6% ở các nền kinh tế phát triển và 9,5% ở các thị trường mới nổi và đang phát triển trong năm nay. Tốc độ này tăng lần lượt 0,9% và 0,8 % so với dự báo trước.
"Lạm phát đang tăng cao và lan rộng hơn. Không chỉ với năng lượng và thức ăn, nó còn thâm nhập vào dịch vụ, hàng hóa và hiện vượt xa mục tiêu của các ngân hàng trung ương", Pierre-Olivier Gourinchas - kinh tế trưởng IMF cho biết, "Điều đó khiến sức mua giảm sút. Ở nhiều quốc gia, tiền lương không theo kịp lạm phát".
Theo Gourinchas, kiềm chế lạm phát phải là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn. "Giảm lạm phát kịp thời cũng là tạo điều kiện cho ổn định tăng trưởng và kinh tế vĩ mô trong những năm tới", ông nói.
IMF dự báo lạm phát trên toàn thế giới sẽ trở lại gần mức tiền đại dịch vào cuối năm 2024, sau khi về 5,7% vào cuối năm 2023.
Phiên An (theo WSJ)