Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) của eurozone hôm nay cho biết Hy Lạp đã thành công ra khỏi chương trình cứu trợ kéo dài 3 năm. Chương trình này được chấp thuận tháng 8/2015, nhằm giúp Hy Lạp giải quyết hậu quả từ cuộc khủng hoảng nợ.
“Hôm nay, chúng tôi có thể yên tâm chấm dứt chương trình ESM, mà không cần thêm gói giải cứu nào nữa. Lần đầu tiên kể từ đầu năm 2010, Hy Lạp đã có thể tự đứng vững”, Mario Centeno - Chủ tịch Hội đồng thống đốc ESM cho biết trong thông báo hôm nay, “Việc này là nhờ nỗ lực phi thường của người dân Hy Lạp, sự hợp tác tốt với chính phủ hiện tại và sự hỗ trợ của các đối tác phương Tây thông qua các khoản cho vay và xóa nợ”.
Tháng 8/2015, 4 tổ chức đại diện cho nhóm chủ nợ của Hy Lạp - Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) đã chấp thuận cấp tới 86 tỷ euro cho nước này. Đây là gói cứu trợ thứ 3 Hy Lạp phải nhận chỉ trong 5 năm.
Gói này nằm trong chương trình cứu trợ lớn nhất lịch sử tài chính toàn cầu, với tổng cộng 289 tỷ euro. Trong 3 năm qua, ESM đã giải ngân cho Hy Lạp 61,9 tỷ euro để nước này cải thiện kinh tế vĩ mô và tái cấp vốn các ngân hàng.
Họ cho biết theo chương trình, Athens có thể được cấp thêm 24,1 tỷ euro nữa. Tuy nhiên, con số này giờ không còn cần thiết nữa.
Sau khi rời chương trình cứu trợ, Hy Lạp vẫn sẽ phải tiếp tục giảm mạnh chi tiêu công. Họ cũng sẽ phải mất hàng thập kỷ nữa mới trả hết các khoản nợ. Nền kinh tế này gần đây đã tăng trưởng, dù khá chậm chạp và GDP vẫn thấp hơn 25% so với thời điểm cuộc khủng hoảng bắt đầu.
Hà Thu (theo Reuters/BBC)