Tại Hội nghị "Thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 12/2018, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn toàn quốc tăng khoảng 21,4% so với cuối năm 2017. Trong đó, dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm 17,24% và cuối tháng 1/2019 tăng khoảng 0,3% so với cuối năm ngoái.
Riêng đối với ngành lúa gạo, năm 2018 có dư nợ đạt khoảng 99.000 tỷ đồng, tăng 29.789 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Còn nếu tính đến cuối tháng 1/2019, dư nợ lĩnh vực này đạt khoảng 100.000 tỷ đồng (trong đó đồng bằng sông Cửu Long là 50.000 tỷ, chiếm khoảng 50%), tăng 0,8% so với cuối năm 2018.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trong thời gian tới để đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu của thương nhân sản xuất, kinh doanh lúa gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý.
Về vấn đề lãi suất, ngay từ đầu năm, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019, các nhà băng đã cam kết giảm 0,5% lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên, thể hiện sự quyết liệt và đồng hành của ngân hàng trong việc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và góp phần cho tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cam kết điều hành giữ lạm phát theo mục tiêu Chính phủ đề ra (khoảng 4%).
Thống đốc cũng chỉ đạo các ngân hàng chủ động tiếp cận các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Trong đó xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục xem xét cho vay mới để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp lúa gạo.
Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc, trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, bà con nông dân, tại Hội nghị, các NHTM như Agribank, Vietcombank, Sacombank... đã cam kết cân đối đủ nguồn vốn cho sản xuất, thu mua, tiêu thụ lúa gạo với lãi suất và thời hạn cho vay hợp lý (chỉ từ 6% một năm).
Theo ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Vietcombank, ngân hàng này sẽ dành khoảng trên 9.000 tỷ đồng cho vay các nhu cầu thu mua lúa gạo.Vietcombank cũng sẽ thực hiện 3 "không" với nông dân, doanh nghiệp lúa gạo: không lợi nhuận trong cho vay, không lợi nhuận trong thanh toán, không lợi nhuận trong mua bán ngoại tệ cho doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo.
Tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), gần 70% tín dụng của nhà băng này là dành cho nông nghiệp nông thôn. Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank cũng cam kết đảm bảo đủ nguồn vốn, đồng thời, hoàn thiện các phương thức, cách thức cho vay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiếp cận vốn.
Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank thì cho biết, hiện nay ngân hàng này đang cho vay khoảng 15.000 tỷ đồng trong lĩnh vực kinh doanh lúa gạo. Để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn, thời gian tới nhà băng cũng sẽ áp dụng mức lãi suất ưu đãi 6% mỗi năm để tiếp tục cung ứng vốn cho các doanh nghiệp thu mua lúa gạo.
Trong khi đó, ông Đỗ Minh Toàn - Tổng giám đốc ACB cho rằng, ngoài việc xem xét hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp lúa gạo, đơn vị sẽ nghiên cứu phát triển các sản phẩm cho vay lúa gạo với kỳ hạn dài hơn một mùa vụ để giảm tải áp lực trả nợ cho người nông dân, gia tăng cơ hội dự trữ lúa gạo trong các thời điểm giá thị trường xuống thấp.
Thanh Lê