Theo Nghị quyết vừa công bố của Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) - một trong những doanh nghiệp lớn thuộc ngành vận tải biển - ước tính kết quả kinh doanh năm nay sẽ lập kỷ lục. Tổng doanh thu ước đạt 3.145 tỷ đồng, tăng 61% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 835 tỷ đồng, tăng hơn 50%. So với kế hoạch cả năm đã điều chỉnh, hai chỉ tiêu trên lần lượt vượt 32% và gần 52%.
Trước đó trong quý III, Hải An đã báo lợi nhuận 9 tháng vượt 1,5 lần kế hoạch cả năm. Ngoài tăng trưởng đội tàu và lãi từ các công ty liên kết, giá cước và các phụ phí năm nay tăng so với cùng kỳ năm ngoái là nguyên nhân chính giúp kết quả kinh doanh tăng mạnh.
HAH hoạt động chính ở dịch vụ cảng biển và vận tải biển. Từ năm 2016, doanh thu từ đội tàu tăng dần và đạt đỉnh trong năm 2021, chiếm đến 80% lợi nhuận gộp của công ty. Năm nay, nhu cầu phục hồi tốt cùng giá cước neo cao là nguyên nhân chính kéo dài mùa kinh doanh thuận lợi của Hải An và ngành vận tải biển nói chung.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, 11 tháng đầu năm, vận chuyển hàng hóa đường biển đạt gần 99 triệu tấn, tăng khoảng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động sản xuất duy trì ổn định tiếp động lực lớn cho nhu cầu vận tải biển phục hồi.
Theo dữ liệu từ Freightos - một trong những nền tảng đặt chỗ vận chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới - chỉ số vận tải container toàn cầu quý III hạ từ 6.577 USD về 4.060 USD. Tuy vậy, mức này vẫn còn cao gấp 2-3 lần so với trung bình 1.800-2.000 USD cùng kỳ năm 2020. Nếu so với quý III/2019, chỉ số vận tải container toàn cầu vẫn neo ở mức gấp gần 3-5 lần. Trong nước, chỉ số giá vận tải đường biển trong quý III tăng gần 5% so với cùng kỳ, tính chung 9 tháng tăng hơn 11%.
Giữa lúc giá cước vẫn diễn biến thuận lợi, HAH đón thêm tàu mới hồi giữa tháng 11, nâng đội tàu lên 11 chiếc với tổng sức chở 16.000 TEU. Doanh nghiệp này công bố đang giữ vị thế thuộc nhóm đầu đội tàu container của Việt Nam và nhóm 100 đội tàu container lớn nhất thế giới.
Tuy vậy, kế hoạch năm 2023 của HAH lại không mấy triển vọng. Doanh nghiệp này dự tính doanh thu năm sau có thể đạt hơn 2.630 tỷ đồng và lãi 300 tỷ đồng. So với ước tính năm nay, hai chỉ tiêu lần lượt giảm 16% và 64%.
Kế hoạch kinh doanh của Hải An phù hợp với dự báo thận trọng của nhiều công ty chứng khoán. SSI Research cho rằng giá cước vận tải quốc tế dần bình thường trở lại do nhu cầu giảm và nguồn cung tàu container tăng.
Năm sau, giá cước có thể giảm mạnh nếu tình trạng tắc nghẽn được giải quyết và Trung Quốc mở cửa trở lại. SSI Research vẫn lưu ý mức giá cân bằng sẽ cao hơn trước Covid-19 do các hãng vận chuyển phải chịu chi phí đầu tư và chi phí vận hành cao hơn nhiều so với trước đây.
Chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng cuối năm nay và cả năm 2023, giá cước container trong xu hướng giảm. Đơn vị này đưa ra dự báo dựa trên kịch bản điểm rơi bàn giao tàu từ nửa cuối năm nay đến hết năm 2024, giúp giảm bớt tình trạng thiếu cung đội tàu. Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục sụt giảm trong bối cảnh lạm phát cao. Do đó theo BSC, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải container như HAH sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Tất Đạt