Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã CK: HAG) vừa miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc đối với ông Trà Văn Hàn từ ngày 30/9. Chia sẻ với VnExpress.net, Hàn cho biết chỉ chuyển sang làm nhiệm vụ khác chứ vẫn là người của Hoàng Anh Gia Lai. Theo kế hoạch, ông sẽ trở thành nhân sự của Công ty An Phú, nằm trong chiến lược tái cấu trúc tập đoàn nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh.
Ông Trà Văn Hàn sinh năm 1960, là một trong những lãnh đạo kỳ cựu của Hoàng Anh Gia Lai từ những ngày đầu thành lập. Nhiều năm liền ông giữ chức vụ Phó tổng giám đốc. Hiện, ông giữ hơn 1,2 triệu cổ phiếu HAG.
Trước đó, ngày 21/8, Hoàng Anh Gia Lai thông báo ông Lê Hùng rời ghế thành viên HĐQT và ông Nguyễn Văn Tốn rời vị trí Trưởng ban kiểm soát. Dự kiến ông Lê Hùng làm Chủ tịch HĐQT, còn ông Tốn giữ chức Tổng Giám đốc Tổng Công ty An Phú.
Tháng 9 còn ghi nhận hàng loạt vụ đổi "tướng" ngân hàng. Mới đây, Ngân Hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (mã CK: EIB) bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Triết giữ chức danh Phó tổng từ ngày 25/9. Trước đó, ngày 17/9, ông Tô Nghị bị miễm nhiệm chức danh này và chuyển sang làm Phó chủ tịch thường trực Hội đồng đầu tư Trung ương thuộc Hội đồng quản trị.
Nhà băng này cũng bổ nhiệm thêm ông Lê Hải Lâm, Giám đốc chi nhánh Eximbank Tân Sơn Nhất giữ chức Phó tổng Eximbank từ ngày 17/9. Đầu tháng, Eximbank bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Hương, nguyên Phó tổng giám đốc vào vị trí quyền Tổng giám đốc (CEO). Ông Hương sẽ điều hành Eximbank thay ông Trương Văn Phước từ ngày 5/9. Ông Trương Văn Phước hiện là Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia theo bổ nhiệm của Thủ tướng. Như vậy, chỉ trong vòng một tháng, Eximbank thay đổi lãnh đạo tới 3 lần.
Ngân Hàng Quốc Tế (VIBank, mã CK: VIB) cũng đột ngột thay Chủ tịch và Tổng giám đốc vào tháng 9. Ngày 16/9, Hội đồng Quản trị bổ nhiệm ông Đặng Khắc Vỹ vị trí Chủ tịch, đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn bổ nhiệm ông Hàn Ngọc Vũ vào vị trí Tổng giám đốc thay thế bà Đàm Bích Thủy (người vừa được bổ nhiệm hồi tháng 5 đến từ ngân hàng ANZ) đã từ nhiệm và chuyển công tác mới. VIB bổ nhiệm ông Đặng Văn Sơn vào vị trí Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Trong quý III còn có hàng chục doanh nghiệp khác biến động nhân sự cấp cao lnhư Công ty mía đường nhiệt điện Gia Lai (mã CK: SEC) miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc; Công ty cổ phần sữa Việt Nam (mã CK: VNM) luân chuyển 2 giám đốc; Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà đất Cotec - CotecLand (mã CK: CLG) miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc; Vietcombank đổi tổng giám đốc, Ngân hàng cổ phần Đại Á (DaiA Bank) thay cả Chủ tịch lẫn Tổng giám đốc ...
Trước làn sóng đổi sếp tăng mạnh trong những tháng cuối năm, nhất là lĩnh vực ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng "đó là điều hiển nhiên", bởi vấn đề nợ xấu, đạo đức nghề nghiệp trong giới này cần được chấn chỉnh lại. Đã hết 3 quý của năm tài chính, nhiều ngân hàng ước lượng kết quả kinh doanh tốt hay xấu nên động thái thay đổi nhân sự cấp cao dịp cuối năm cũng là sự chuẩn bị cho năm tài khóa mới.
Nhưng trong cùng thời điểm nhiều ngân hàng cùng đổi lãnh đạo cho thấy hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc, số lượng nhà băng sáp nhập diễn ra nhiều hơn. Do vậy, sắp tới trong hệ thống ngân hàng sẽ còn tiếp tục có nhiều biến động về nhân lực, đặc biệt nhân sự cấp cao. "Cũng cần lưu ý, để phát triển tốt, lãnh đạo mới phải là những người có kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp mới có thể dẫn dắt ngân hàng vượt qua khó khăn và vươn lên trong tương lai", ông Hiếu nhận định.
Theo ông Hiếu, từ năm 2011 đến nay, việc biến đổi nhân sự cấp cao trong ngành ngân hàng diễn ra liên tục, tuy nhiên 2013 là năm chứng kiến nhiều sự thay đổi nhất so với 2 năm trước đó. Điều này chứng minh rằng, hệ thống ngân hàng đang ngày càng thanh lọc mạnh mẽ và tăng tốc để vượt qua khó khăn.
Giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng, một số lãnh đạo khi có sự thay đổi chức vụ sẽ ảnh hưởng phần nào đến tâm lý nhà đầu tư, giá cổ phiếu, sản phẩm mới sắp đưa ra sau đó. Chưa kể những tháng cuối năm doanh nghiệp "chạy nước rút" để hoàn thành kế hoạch nên nếu liên tục thay đổi lãnh đạo khiến hoạt động của công ty bị ảnh hưởng.
"Tuy nhiên, không phải mọi thay đổi nào cũng tiêu cực, có những công ty tạo ra bước ngoặt mới hoặc cải thiện thua lỗ bằng cách "thay máu" ban điều hành để tái cấu trúc giúp công ty có thể vượt bão, hoạt động và phát triển tốt hơn", vị giám đốc này cho hay.
Hồng Châu