Nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh các 'nghĩa địa' xe đạp trên khắp Trung Quốc, khi ngành chia sẻ xe đạp ở nước này bắt đầu đi vào khủng hoảng, với điển hình là Ofo bên bờ phá sản. Đến nay, diễn biến tương tự đã lan sang mảng chia sẻ ôtô.
Gần đây, hàng nghìn chiếc ôtô điện không sử dụng đã được nhìn thấy đậu dọc theo một con sông ở ngoại ô Hàng Châu. Chúng thuộc về một công ty cho thuê xe điện tên là Microcity. Đơn vị từng tự mô tả là công ty hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực chia sẻ ôtô. Tương tự cách gọi 'chia sẻ xe đạp', những công ty 'chia sẻ ôtô' tại nước này thực chất không khác gì cho thuê xe, bởi tất cả đều thuộc sở hữu của hãng.
Microcity nói rằng những chiếc xe này vẫn đang được sử dụng. Tuy nhiên, báo chí địa phương tuyên bố khi bật ứng dụng thì họ không tìm được bất kỳ chiếc xe nào có sẵn gần bãi đậu đó. Một dân làng cho biết công ty đã trả anh ta 30.000 nhân dân tệ (4.469 USD) mỗi năm kể từ tháng 7/2018 để đậu xe trên đất của anh. Một người khác nói cô chưa bao giờ nhìn thấy nhiều xe đậu một nơi như thế trong đời. Cô muốn đến gần hơn để xem nhưng bị cấm.
Microcity là một trong số hàng trăm công ty chia sẻ xe xuất hiện vài năm qua tại Trung Quốc. Những công ty lớn nhất đang có hàng chục nghìn phương tiện trên khắp đất nước. Lượng công ty mọc lên như nấm được khích lệ bởi ý tưởng về nền kinh tế chia sẻ, dù thực chất họ đang cho thuê xe. Ngoài ra, sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện, vốn nhận được tài trợ mạnh mẽ của chính phủ, cũng là thời cơ mà họ muốn tận dụng.
Nhưng tình hình đang có vẻ xấu đi. Một số startup ngành này đã phá sản vào năm ngoái. Hồi tháng 1/2019, kênh CCTV đã đặt câu hỏi mô hình chia sẻ xe trực tuyến có thực sự cải thiện giao thông hay không, vì nó làm tăng lượng xe trên đường.
Trên Zihu, một nền tảng hỏi đáp của Trung Quốc, người dùng phàn nàn về trải nghiệm tồi tệ của những chiếc xe điện dùng chung. Nhiều người nói họ không thể khởi động lại chiếc xe của mình sau khi dừng trên đường.
Togo, một trong những công ty khởi nghiệp chia sẻ xe cao cấp nhất, đã vật lộn để tồn tại kể từ cuối năm 2018. Người dùng đổ xô đến văn phòng của Togo để đòi tiền đặt cọc, giống như họ đã làm với Ofo.
Theo SCMP