Phó tổng cục trưởng Hải quan Mai Xuân Thành vừa ký điện gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu các loại. Chỉ đạo này nhằm thực hiện kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, các lô hàng gạo đã đăng ký tờ khai trước ngày 24/3 vẫn được giải quyết thủ tục thông quan theo quy định.
Trong văn bản gửi cuối ngày 24/3, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng cho hoãn việc áp dụng dừng xuất khẩu gạo từ 0h ngày 24/3. Đề nghị này của Bộ Công Thương đưa ra trên cơ sở phản ánh của doanh nghiệp khi dừng xuất khẩu ngay lập tức.
Cơ quan này cho biết, sẽ đánh giá lại sản lượng thực tế vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký, cũng như hàng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp.
Trả lời VnExpress tối 24/3, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, cơ quan này chưa nhận được đề nghị của Bộ Công Thương. "Khi nhận được văn bản chúng tôi sẽ trình Thủ tướng xem xét, quyết định có dừng ngay từ 24/3 hay không", ông Dũng cho biết.
Việt Nam hiện xuất khẩu gạo nhiều thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 6,37 triệu tấn gạo, tương đương 2,81 tỷ USD. Trong đó, Philippines là thị trường lớn nhất với hơn 2,1 triệu tấn, tiếp sau lần lượt là Bờ Biển Ngà với hơn 580.000 tấn, Malaysia với hơn 550.000 tấn, Trung Quốc với 477.000 tấn.
Hai tháng qua, gạo Việt Nam xuất khẩu sang một số nước tăng mạnh trong bối cảnh nhiều mặt hàng ảnh hưởng vì Covid-19.
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho thấy, 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt 895 nghìn tấn với giá trị 410 triệu USD, tăng 27% về khối lượng và 32,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Philippines dẫn đầu thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1, nhưng khối lượng và giá trị xuất qua thị trường này lại giảm so với cùng kỳ 2019.
Đặc biệt, trong tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang Mozambique tăng gấp 5,04 lần, Trung Quốc gấp 2,76 lần và Angola 2,57 lần. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Hong Kong (giảm 80,7%).
Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1 đạt 478 USD một tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để điều chỉnh tăng diện tích lúa Thu đông từ 750.000 ha lên khoảng 800.000 ha nếu có thể.
Anh Tú - Anh Minh - Hồng Châu