Tính đến 17/8, hơn 300 hồ sơ đề nghị vay vốn trả lương người lao động với lãi suất 0% đã gửi đến Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong số này, Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết đã giải ngân khoảng 170 tỷ đồng cho 267 người sử dụng lao động. Khoảng 48.700 người lao động gián tiếp được hỗ trợ tiền lương từ nguồn vốn vay này.
Hơn một nửa số tiền được giải ngân tới nay là cho 48 doanh nghiệp tại Bắc Giang với gần 26.600 người lao động. Doanh nghiệp vay nhiều nhất là Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc (16 tỷ đồng) trả lương cho khoảng 4.760 nhân viên.
Được xem là "phao cứu sinh" cho nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp được vay lãi suất 0% từ Ngân hàng Chính sách xã hội, không cần bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội. Song con số giải ngân sau một tháng vẫn khá khiêm tốn so với quy mô gói 7.500 tỷ mà Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện tiếp cận cũng đã được nới lỏng hơn so với năm ngoái, nhưng vẫn còn một vài vướng mắc doanh nghiệp đề xuất cần xem xét lại.
Muốn tiếp cận gói vay này phải dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước hoặc cho người lao động ngừng việc, tối thiểu 15 ngày liên tục (từ 1/5 đến hết tháng 3 năm sau). Điều kiện cần tiếp theo là doanh nghiệp không có nợ xấu tại ngân hàng.
Ngoài ra, để vay lãi suất 0% từ Ngân hàng chính sách xã hội là doanh nghiệp phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn. Trong khi theo pháp luật về thuế, doanh nghiệp có thể quyết toán thuế chu kỳ 3-5 năm, không bắt buộc quyết toán từng năm.
Một số doanh nghiệp phản ánh, dịch bệnh từ năm ngoái khiến họ gặp khó khăn về tài chính. Số tiền cho vay trả lương không lớn nhưng lại yêu cầu doanh nghiệp phát sinh thêm các thủ tục và quyết toán thuế khiến họ "ngại" đi vay.
Tại cuộc họp ngày 17/8 về thực hiện Nghị quyết 68, lãnh đạo nhiều địa phương cũng đề cập khó khăn mà nhiều doanh nghiệp phản ánh khi muốn tiếp cận gói vay này.
Tại Đà Nẵng, người dân và doanh nghiệp đã trải qua 5 đợt dịch và tình hình dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Thành phố đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16+, thực hiện các biện pháp mạnh "ai ở đâu thì ở chỗ đó", 3 tại chỗ... Do đó, Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, hoạt động khôi phục sản xuất rất khó khăn, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ, vận tải, lưu trú... Điều kiện "không có nợ xấu tại ngân hàng đến thời điểm đề nghị vay vốn" sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp để tiếp cận chính sách.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đánh giá, với nhiều biện pháp mạnh để khống chế dịch bệnh, sẽ có nhiều doanh nghiệp phải dừng việc liên tục 15 ngày trở lên và cần đến gói hỗ trợ này. Ông đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ ngành có liên quan tháo gỡ quy định về nợ xấu tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động tiếp cận vốn vay".
Tại cuộc họp, một số đại diện khác cũng đề xuất bỏ hai quy định "Không có nợ xấu tại ngân hàng" và "đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020" tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Trước các phản ánh và kiến nghị của địa phương, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết sẽ nghiên cứu tham mưu điều chỉnh điều kiện tín dụng phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước luôn xử lý, cấp vốn nhanh nhất để Ngân hàng Chính sách xã hội kịp thời giải ngân doanh nghiệp.
Bộ Lao động xã hội cũng sẽ tổng hợp, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan trình Chính phủ xem xét điều chỉnh.
Quỳnh Trang