Chốt phiên Mỹ hôm 18/2, kim loại quý đã đóng cửa tại 1.601 USD một ounce, tăng gần 18 USD. Trước đó, với nhiều nhà phân tích, việc giá vượt mốc quan trọng 1.600 USD chỉ là vấn đề thời gian.
Giá vàng miếng trong nước cũng liên tục đi lên từ cuối tuần trước. Tại Tập đoàn DOJI, giá mua bán hiện quanh 44,72 - 44,9 triệu đồng một lượng. Giá này tại PNJ là 44,6 - 45,05 triệu đồng.
Sự lo ngại của nhà đầu tư về tác động của dịch Covid-19 lên kinh tế toàn cầu đã kéo giá vàng tăng cao. Dự trữ tại các quỹ ETF vàng đang ở mức kỷ lục. Trước đó, Apple cũng cảnh báo không đạt mục tiêu kinh doanh quý này, do cả sản xuất và doanh thu giảm mạnh vì dịch bệnh.
"Thị trường vàng chỉ cần một tin lớn để kéo giá lên cao hơn nữa", Phillip Streible – nhà phân tích thị trường tại Blue Line Futures cho biết. Ông dự báo khi đã vượt mốc 1.600 USD, giá sẽ còn dư địa tăng, với các ngưỡng kháng cự kế tiếp tại 1.620 USD và 1.650 USD.
Bart Melek – chiến lược gia hàng hóa tại TD Securities cũng lạc quan về xu hướng của vàng. Ông cho rằng mục tiêu sắp tới sẽ là mốc 1.700 USD. Dù vậy, trong ngắn hạn, giá có thể chỉ lên 1.614 USD.
"Apple không phải tin tức tiêu cực duy nhất. Chúng ta sẽ còn đón nhận nhiều số liệu bi quan hơn, buộc thị trường kỳ vọng các ngân hàng trung ương giảm lãi suất. Thị trường sẽ còn nhiều biến động hơn nữa. Tôi cho rằng các ngân hàng trung ương và chính phủ sẽ phải bơm thêm thanh khoản để hỗ trợ kinh tế. Điều này có lợi cho vàng", Melek dự báo.
Ngoài đánh giá tác động của dịch bệnh lên tăng trưởng toàn cầu và tâm lý chuộng rủi ro, nhà đầu tư còn đang theo dõi liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có cảm thấy sức ép giảm lãi suất hay không. Fed đến nay vẫn cho biết tác động của dịch bệnh là "rủi ro mới" với triển vọng của Mỹ. Hôm nay, cơ quan này sẽ công bố biên bản cuộc họp gần nhất. Đây sẽ là cơ sở để nhà đầu tư dự báo động thái sắp tới của Fed.
Hà Thu (theo Kitco, Bloomberg)