Các ngân hàng trung ương in tiền và tung nhiều gói kích thích kinh tế chưa từng có khiến giới đầu tư dành sự chú ý tới vàng - một loại tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế bất ổn.
Một số nhà đầu tư nổi tiếng thế giới gióng lên hồi chuông cảnh báo về lạm phát gia tăng và ủng hộ bỏ tiền vào vàng. Kim loại quý này đã hồi sinh từ sau cuộc khủng hoảng 2008 khi nhiều người dồn tiền vào nó với cùng nỗi sợ tương tự, nhưng rồi họ thất vọng vì sau đó lạm phát được kiểm soát.
Nhìn lại những gì xảy ra vào khủng hoảng năm 2008 đã cho thấy thực tế không như kỳ vọng. Nhà đầu tư kịch liệt ủng hộ giá vàng lúc bấy giờ là John Paulson, đã dự đoán siêu lạm phát và đặt cược rằng vàng là tài sản duy nhất sẽ giữ giá trị, theo cuốn sách 2009 The Greatest Trade Ever.
Mặc dù việc nắm giữ ban đầu có lãi, vàng đã lên mức kỷ lục 1.921 USD vào 2011 nhưng mức lạm phát cao mà Paulson dự đoán đã không thành hiện thực, kim loại quý này cũng ảm đạm trong chục năm sau đó.
Tuy nhiên, những phản ứng quy mô lớn chưa từng có của các chính phủ với Covid-19 khiến nhiều người cho rằng, giá vàng hiện nay sẽ khác với hồi 2008.
Theo đó, những người đặt cược vào vàng lập luận rằng, các chính phủ đã phản ứng với đại dịch bằng các biện pháp kích thích lớn hơn và sẵn sàng để nợ nhiều hơn. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ mà còn tới cả nguồn cung. Các doanh nghiệp ngừng hoạt động và về lâu dài, cuộc khủng hoảng có thể sắp xếp lại chuỗi cung ứng.
Ngay cả khi lạm phát không ở mức cao, chi phí nắm giữ vàng là tương đối thấp trong môi trường kinh tế hiện tại. Russ Koesterich, Giám đốc danh mục đầu tư của Quỹ phân bổ toàn cầu BlackRock chỉ ra mối quan hệ ngược chiều giữa vàng với lãi suất thực. Khi lãi suất thực (điều chỉnh theo lạm phát) thấp, chi phí cơ hội nắm giữ vàng cũng tương tự. Hiện tại, tỷ giá thực là âm. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi lạm phát không tăng mạnh, triển vọng về chính sách lãi suất gần bằng 0, hoặc thậm chí âm trong tương lai gần sẽ làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý này.
Trong một môi trường mà lợi suất trái phiếu gần bằng 0 và về âm nếu tính cả lạm phát, chi phí cơ hội giữ vàng là bằng 0. Trong lịch sử, đây là lúc vàng có mức giá tốt nhất, ông Koesterich nói.
Nhiều quỹ đầu cơ như Paul Singer, David Einhorn và Crispin Odey cũng ủng hộ giá vàng. Các nhà quản lý tài sản uy tín như Blackrock Inc và Newton Investment Management cũng vậy.
"Vàng là lối thoát duy thất", Crispin Odey viết trong lá thư gửi đến các nhà đầu tư. Logic rất đơn giản: các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới in tiền làm loãng giá trị đồng tiền của họ - quan trọng nhất là đồng USD mất giá. Lúc đó, vàng sẽ phát huy được giá trị.
Singer’s Elliott Management Elliott viết trong một lá thư gửi cho nhà đầu tư vào tháng 4, "trong những tháng gần đây, vàng đã tăng giá nhưng chúng tôi cho rằng vẫn chưa phản ánh đúng giá trị của nó".
Giá kim loại này đã tăng mạnh trong năm nay, chạm mức cao nhất hơn 7 năm là 1.751,69 USD một ounce vào thứ Sáu vừa rồi (15/5). Nhưng một số người tin rằng giá sẽ còn lên nữa.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, sau khoảng một tháng đi ngang ở mức 48 triệu đồng một lượng, giá vàng miếng SJC bắt đầu đi lên từ hơn một tuần qua và tăng mạnh trong ngày hôm nay. Đầu ngày 18/5, giá vàng SJC bán ra vượt mốc 49 triệu đồng mỗi lượng - lần thứ hai lập đỉnh 49 triệu trong năm nay và là mức cao nhất từ tháng 8/2011.
Nhưng ngay lúc này, thị trường vàng cũng đối mặt với một cuộc tranh luận. Bất chấp các cảnh báo, nhiều nhà đầu tư cho rằng lạm phát vẫn sẽ ở mức thấp dù kinh tế đang bước vào thời kỳ suy thoái. T5YIE của Mỹ - thước đo kỳ vọng lạm phát trung hạn đã giảm từ khoảng 1,8% vào đầu năm xuống còn 1,4%.
Ông Darwei Kung, người đứng đầu bộ phận hàng hóa và quản lý danh mục đầu tư tại DWS Group nói rằng, "tốc độ dẫn truyền tiền đã chậm lại rất nhiều. Nếu điều đó không đổi thì không có lý do gì lạm phát cao trở lại".
Quỳnh Trang (theo Bloomberg)