Năm 1936, tùy viên thương mại Mỹ Julian Arnold giới thiệu về những ưu điểm của đậu nành khi đến Trung Quốc. Ông gọi nó là "bò của Trung Quốc" và giải thích rằng loại cây này chứa nhiều chất dinh dưỡng tương tự sữa bò. Những chia sẻ này đã truyền cảm hứng cho Lo Kwee-seong thành lập công ty sữa đậu nành bốn năm sau đó tại Hong Kong. Khi đó, đây được coi như một thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho tầng lớp lao động không có điều kiện mua sữa bò trong thời gian chiến tranh.
Đến nay, sau gần 80 năm hoạt động, sản phẩm của Vitasoy International Holdings đã hiện diện tại 40 thị trường, trong đó có Mỹ, Australia và Trung Quốc đóng góp hơn một nửa doanh thu. Từ khi IPO năm 1994, cổ phiếu hãng sữa đậu nành này đã tăng hơn 3.500%. Nhờ đó, 8 thành viên gia đình nhà họ Lo đang sở hữu khối tài sản trị giá 1,5 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Vitasoy hiện là một trong những thương hiệu dễ nhận biết nhất tại Hong Kong hiện nay khi sản phẩm của hãng xuất hiện trên kệ ở nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị và cả trực tuyến. Năm nay, cổ phiếu của Vitasoy đã tăng 44%.
Một năm sau khi doanh nghiệp IPO thành công đạt giá trị 200 triệu USD, ông Lo Kwee-seong qua đời. Hiện tại, Vitasoy có vốn hóa khoảng 5,8 tỷ USD. Một số thành viên gia đình Lo vẫn tham gia điều hành công ty này, trong đó con trai nhà sáng lập Winston hiện làm Chủ tịch Vitasoy, con gái May giữ vai trò giám đốc.
Năm 2018, thị trường sữa đậu nành trên toàn cầu đạt giá trị 15,3 tỷ USD và doanh số mảng sữa đậu nành có hương vị dự kiến tăng trưởng 6,3% mỗi năm giai đoạn 2019-2025, theo báo cáo của Grand View Research.
Trong bối cảnh nhiều người châu Á ngày càng không chuộng sản phẩm đường sữa, Vitasoy đã định vị lại thương hiệu sữa đậu nành của mình như một loại sản phẩm tự nhiên và có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó, công ty này cũng đa dạng thêm các sản phẩm như nước ép, nước tinh khiết, trà chanh...
Tú Anh (theo Bloomberg)