Chốt phiên giao dịch 3/8, mỗi thùng dầu Brent giảm 3,7 USD về 96,78 USD. Dầu thô Mỹ WTI cũng giảm tương tự, về 90,66 USD. Đây là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2, trước thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Giá giảm sau khi Mỹ công bố tồn kho dầu thô tăng hơn 4 triệu thùng. Tồn kho dầu thô tại Cushing (Oklahoma) - kho dự trữ dầu lớn nhất Mỹ - đã tăng tuần thứ 5 liên tiếp. Nhu cầu xăng tại Mỹ hiện cũng thấp hơn mức năm 2020.
Trước đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh cũng viện dẫn lý do triển vọng nhu cầu chậm lại để quyết định chỉ tăng cung thêm 100.000 thùng một ngày trong tháng 9. Đây là con số nhỏ hơn rất nhiều so với mức tăng hàng trăm nghìn thùng vài tháng qua. Các nước OPEC+ cho biết họ lo ngại khả năng suy thoái tại Mỹ và lệnh phong tỏa chống dịch ở Trung Quốc sẽ kìm hãm nhu cầu.
Giá dầu hiện đã trở về tương đương mức trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Nhà đầu tư cũng lo lắng khi kinh tế toàn cầu chậm lại.
"Thông báo nâng sản lượng của OPEC+ không thay đổi được gì", Stacey Morris – Giám đốc nghiên cứu năng lượng tại VettaFi nhận xét, "Mức tăng quá khiêm tốn với thị trường dầu toàn cầu". Bà cho rằng thị trường vẫn "cực kỳ nhạy cảm" với các yếu tố cung – cầu và biến động sẽ còn tiếp diễn.
Enrique Mora – phái viên Liên minh châu Âu (EU) chịu trách nhiệm đàm phán hồi sinh thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran và các cường quốc – đang tới Vienna (Áo) để thảo luận việc này. Sau nhiều tháng đàm phán, các bên tham gia vẫn chưa thống nhất. Nếu thành công, Iran sẽ bơm thêm dầu ra thế giới khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng.
Hà Thu (theo Bloomberg)