Ba tháng qua, giá cá tra nguyên liệu tại miền Tây liên tục giảm mạnh, hiện ở mức 18.000 – 19.000 đồng mỗi kg, thấp hơn 14.000 – 18.000 đồng so với năm 2018.
"Giá cá nguyên liệu hiện đã thấp hơn chi phí sản xuất 5.000 – 6.000 đồng mỗi kg nhưng người nuôi vẫn rất khó bán vì doanh nghiệp cắt giảm thu mua", ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam nói và cho biết nguyên nhân chính là do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn trong khi diện tích nuôi tăng mạnh, khiến dư thừa sản lượng. Trước tình trạng này, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng cá nguyên liệu từ vùng nuôi của mình.
Năm 2018, diện tích thả nuôi cá tra tại miền Tây khoảng 5.400 ha; sản lượng đạt 1,42 triệu tấn. Theo chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, từ cuối năm 2018 đến nay, diện tích nuôi cá tra ở các miền Tây liên tục tăng. Cụ thể như tại An Giang, một doanh nghiệp đã đầu tư thêm vùng nuôi cá tra 600 ha, tỉnh Long An cũng tăng khoảng 1.000 ha, Đồng Tháp mở rộng khoảng 200 ha...
Người đứng đầu Hiệp hội cá tra Việt Nam đề nghị các địa phương rà soát, thống kê lại chính xác hơn diện tích thả nuôi, sản lượng cá tăng bao nhiêu; nhất là cá tới lứa và quá lứa chưa thu hoạch để có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ. Các bộ ngành cần tăng cường xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn cho ngành nuôi cá tra phát triển bền vững hơn.
Chủ một doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu lớn ở Cần Thơ cho biết, thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Trung Quốc đều gặp khó khăn nên phải giảm tiêu thụ nguyên liệu đầu vào trong khi sản lượng cá đến lứa thu hoạch tăng mạnh nên ùn ứ nhiều hơn. Tuy nhiên, khả năng vài tháng tới, các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều hơn, giá nhích lên vì nhu cầu của thị trường thế giới sẽ tăng lên, phục vụ dịp cuối năm.
Cửu Long