Thiếu xăng tiếp tục là khó khăn được Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ báo cáo UBND TP HCM tại phiên họp kinh tế - xã hội tháng 10, chiều 1/11.
Theo ông Vũ, ngoài 108 cửa hàng thiếu xăng (tính đến 12h ngày 1/11), có 4 cửa hàng đang xin ngưng để sửa chữa hoặc làm thủ tục đóng cửa. Khu vực ngoại thành gồm các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và quận Bình Tân, 12 đang gặp khó khăn hơn. Đây là nơi nhiều hệ thống bán lẻ không kinh doanh theo chuỗi mà theo hộ gia đình, doanh nghiệp cắt khúc nên tình hình căng thẳng hơn.
Ghi nhận của VnExpress sáng nay cũng cho thấy tại các quận Gò Vấp, 12, Tân Bình, Bình Tân, Bình Chánh... số lượng các cây xăng thiếu hàng vẫn diễn ra.
Tại cây xăng nằm trên quốc lộ 1A quận 12 treo biển đóng cửa từ chiều hôm qua, đến sáng nay vẫn chưa nhập được hàng. Nhân viên tại đây cho biết lượng xăng về nhỏ giọt nên không có hàng bán cho khách. Tương tự, ở quận Gò Vấp, cây xăng trên đường Nguyễn Oanh cũng xảy ra tình trạng hết xăng.
Trong khi đó, tại cây xăng trên đường Thống Nhất liên tục hết hàng vào mỗi buổi sáng và chỉ mở bán vài tiếng vào các buổi chiều tối. Trong khi đó dọc các tuyến đường quốc lộ 13 đi qua TP Thủ Đức, nhiều cây xăng cũng đóng cửa, số khác bán theo hạn mức 30.000 đồng.
Lãnh đạo doanh nghiệp sở hữu 12 cây xăng ở TP HCM cho biết, tình trạng này khó chấm dứt vì doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa đủ hàng để phân phối. "Chúng tôi chỉ được cung ứng nhỏ giọt 50-60% so với thông thường. Do đó, nhiều cây xăng vẫn luôn trong tình trạng hết hàng", ông này nói.
Trước đó, ngày 27/10, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM Nguyễn Thị Kim Ngọc cũng cho biết mỗi ngày, TP HCM có 9-10% cửa hàng xăng dầu có tình trạng hết hàng gián đoạn. Như vậy, từ đó đến nay, tình hình thiếu xăng không những chưa được cải thiện mà còn trở nên nghiêm trọng hơn.
Giám đốc Sở Công Thương cho biết TP HCM hiện khó khăn ở hai điểm. Đầu tiên là thiếu hụt nguồn cung. Việc Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil bị rút giấy phép gây nhiều tác động bởi đây là nguồn cung lớn, mỗi tháng nhập và cung ứng 100.000 m3 cho thị trường.
Khó khăn thứ hai là cơ chế điều hành hiện chưa đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên trong cung ứng phân phối xăng dầu. "Các doanh nghiệp bán lẻ hiện vẫn hoạt động rất khó khăn. Nhiều đơn vị thua lỗ vì chiết khấu thấp", ông cho biết và kỳ vọng kỳ điều hành của liên Bộ Công Thương và Tài chính vào 15h chiều nay có thể cải thiện tình hình.
Về giải pháp, TP HCM đã có nhiều báo cáo, kiến nghị gửi các cơ quan liên bộ về điều hành giá xăng dầu. Bên cạnh đó, thành phố huy động các đơn vị nhập và phân phối lớn "gồng gánh" cho các doanh nghiệp nhỏ. Petrolimex đang hoạt động 200% công suất để đáp ứng nhu cầu.
Theo ông Vũ, trung bình, mỗi ngày TP HCM tiêu thụ 6.880 m3 cả xăng và dầu, được 60 thương nhân phân phối và 15 thương nhân làm đầu mối. Hiện, tại TP HCM, doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 25% chuỗi phân phối cung ứng xăng dầu, còn lại là doanh nghiệp tư nhân. Điều này khác với Hà Nội và các khu vực lân cận (ít doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ, chủ yếu là doanh nghiệp bán theo chuỗi) nên tình hình khác. Tức TP HCM thường bị khan hiếm xăng, các nơi khác thì không.
Bên cạnh đó, ông Vũ cho rằng giá xăng dầu thống nhất của hai vùng - vùng 1 (các thành phố trực thuộc Trung ương) và vùng 2 (các tỉnh xa) - cũng gây khó khăn vì chi phí vận chuyển từ nhà máy về địa phương khác nhau nhưng giá bán lại như nhau.
Phát biểu chỉ đạo đầu phiên họp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá cung ứng xăng dầu đang là một trong những vấn đề đặc biệt của thành phố. Ông yêu cầu các sở ngành phân tích, dự báo để đánh giá và có sự chuẩn bị cho thời gian sắp tới.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng lo ngại năm 2023, thành phố khó tăng tốc phát triển như kế hoạch ban đầu bởi có nhiều tình huống phát sinh cả trong và ngoài nước, cũng như vấn đề nội tại. "Giữ được như 2022 đã mừng rồi, còn tăng tốc là khó", ông lo ngại và đề nghị các sở ngành có phương án, dự báo cho tình hình này.
Thu Hằng - Thi Hà