Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom, một thành viên của Tập đoàn FPT) cho biết vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền sau hơn một năm đề nghị (tháng 5/2012). Như vậy, đơn vị này trở thành doanh nghiệp viễn thông thứ 2 (sau Viettel) có mặt trên thị trường truyền hình trả tiền.
Đơn vị này sẽ được phép cung cấp dịch vụ với phạm vi trên toàn quốc đối với truyền hình cáp số, riêng với cáp analog sẽ trừ các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk.
Hồi tháng 4/2013, Bộ đã cấp phép tương tự cho Viettel, có hiệu lực trong 5 năm (đến hết 28/4/2018), mặc dù Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) trước đó từng có văn bản đề xuất không cho Viettel cung cấp dịch vụ. Nguyên nhân đưa ra là thị trường đang có dấu hiệu bão hòa, các doanh nghiệp trong ngành đang theo lộ trình số hóa đến năm 2020, Hiệp hội lo ngại những hệ quả khi Viettel bước chân vào cạnh tranh.
Hiện thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam đang có khoảng 4 triệu thuê bao trên cả nước và vẫn được đánh giá là "mảnh đất chưa khai thác hết". Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đang có 40 công ty truyền hình trả tiền hoạt động nhưng thực tế thị phần chỉ nằm trong tay những "ông lớn" như VTV (sở hữu VCTV, SCTV,K+), BTS (Hà Nội), HTVC (TP HCM) và VTC. Trong đó VTV nắm gần 3 triệu thuê bao (hơn 70%).
Mục tiêu mà Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra trong quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam đến 2020 là có được khoảng 30-40% số hộ gia đình xem dịch vụ truyền hình trả tiền (khoảng hơn 6,4 triệu thuê bao) tính đến 2015. Tiếp đó tới năm 2020 sẽ nâng lên 60-70% số hộ gia đình, tương đương khoảng 14,2 triệu thuê bao.
Anh Quân