"Số ca nhiễm mới gần đây tăng tốc và sự xuất hiện của biến chủng Omicron đang tạo ra rủi ro cho việc làm, các hoạt động kinh tế và lạm phát", Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Fed Jerome Powell viết trong tài liệu chuẩn bị cho buổi điều trần hôm nay trước Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Các vấn đề Đô thị thuộc Thượng viện Mỹ. Nội dung là tác động của biến chủng nCoV mới Omicron lên sự phục hồi của kinh tế Mỹ.
Omicron vẫn còn là một bí ẩn đang chờ các nhà khoa học tìm hiểu. Tuy nhiên, nếu nó khiến đại dịch kéo dài, giá cả sẽ tiếp tục tăng cao, tăng trưởng việc làm bị ảnh hưởng và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng sẽ tồi tệ hơn.
Cuối tuần trước, Wall Street đã bán tháo cổ phiếu và dầu thô sau thông tin về Omicron. Tuy nhiên, thị trường đã lấy lại phần lớn mức giảm trong phiên hôm qua. Nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn và bắt đầu mua vào.
Wall Street cũng bán tháo tương tự khi tin tức về biến chủng Delta mới xuất hiện. Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng bật lại và lập nhiều kỷ lục mới khi vaccine dần phổ biến và giới chức y tế biết cách ứng phó với đại dịch tốt hơn.
Trong tài liệu chuẩn bị, Powell viết nền kinh tế đã chịu thiệt hại hồi mùa hè khi biến chủng Delta lan ra toàn cầu. Rất nhiều người Mỹ sợ phải di chuyển, mua sắm, ăn hàng và quay lại công sở. Việc họ ngồi nhà càng khiến thị trường thiếu lao động và gây ra cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đã ghìm chân kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm đã giảm dần trong suốt mùa thu và nền kinh tế lấy lại đà tăng. Powell dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 5% năm nay. Khi tỷ lệ lây nhiễm bắt đầu giảm hồi tháng 9, thị trường lao động cũng hồi sinh. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,6% - thấp nhất kể từ tháng 5/2020.
Nền kinh tế Mỹ đã lên xuống nhiều lần theo tình hình lây nhiễm. Omicron có thể đảo ngược nhiều thành tựu kinh tế mà Mỹ đã tạo ra trong suốt các tháng mùa thu. "Lo ngại lớn hơn cả là virus có thể khiến mọi người ngần ngại làm những công việc cần tiếp xúc, từ đó càng làm giảm tốc thị trường lao động và làm trầm trọng thêm sự đứt gãy chuỗi cung ứng", Powell viết.
Powell cho biết sự mất cân bằng cung – cầu đã thổi giá lên trên mục tiêu lạm phát 2% hàng năm của Fed. Người Mỹ năm nay đã chi nhiều hơn 5% cho hàng hóa và dịch vụ so với năm ngoái.
Ông cho rằng lạm phát có thể còn tồn tại thêm một thời gian nữa. Sự thiếu hụt lao động đã đẩy lương lên cao. Tuy nhiên, tăng trưởng việc làm cao cũng khiến các công ty khó tuyển nhân viên. Họ sẽ phải tăng lương để thu hút người mới.
Hà Thu (theo CNN)