Trong bài phát biểu hôm 26/8 tại Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole thường niên, ông Powell cho biết con đường giảm lạm phát sẽ không nhanh chóng và dễ dàng. Việc này "đòi hỏi sử dụng các công cụ mạnh tay để cân bằng cung cầu". Dù vậy, việc này sẽ khiến kinh tế Mỹ và thị trường lao động yếu đi phần nào.
"Lãi suất lên cao, tăng trưởng chậm lại và thị trường lao động yếu đi sẽ ghìm lạm phát xuống. Nhưng nó cũng gây đau đớn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp", Powell cho biết.
"Tôi coi phát biểu này có nghĩa Fed sẵn sàng để tỷ lệ thất nghiệp tăng lên nữa để tiến tới giảm nhu cầu", Rob Haworth – chiến lược gia đầu tư cấp cao tại U.S. Bank Wealth Management cho biết. Thị trường lao động yếu thường khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, do các hộ gia đình giữ tiền mặt để đề phòng thất nghiệp.
Powell cũng đề cập đến sự cấp thiết phải kiềm chế lạm phát, khẳng định bình ổn giá cả là "nền tảng của nền kinh tế". "Trách nhiệm của chúng tôi là ổn định giá cả một cách vô điều kiện", ông nói.
Dù không nhắc đến việc liệu Fed có tiếp tục tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng tới hay không, các phát biểu của Powell cũng cho thấy rõ ràng quan điểm rằng họ vẫn duy trì chính sách thắt chặt.
Số liệu cho thấy lạm phát Mỹ đã chậm lại trong tháng 7. Chỉ số Tiêu dùng Cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức 6,8% tháng 6.
Sau bình luận của Chủ tịch Fed, các chỉ số chính của Wall Street đã lao dốc. Chốt phiên, DJIA mất hơn 1.000 điểm, tương đương 3%. S&P 500 giảm 3,4%. Nasdaq Composite giảm 3,9%.
Chứng khoán Mỹ đi xuống vì lo ngại thời kỳ lãi suất cao kéo dài, với nhiều hậu quả kinh tế. "Chúng ta sẽ phải trả giá khi kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, nếu không bình ổn được, sự đau đớn sẽ càng lớn hơn", Powell cho biết, dẫn chứng bài học từ lạm phát thập niên 70 và 80.
Tính chung cả tuần, DJIA mất 4,2%. S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 4% và 4,4%.
Hà Thu (theo CNN)