Số liệu sơ bộ được Văn phòng Thống kê Liên bang Đức công bố chiều nay cho thấy GDP Đức giảm 2,2% trong quý I so với quý trước đó. Cùng với việc tăng trưởng quý IV/2019 bị điều chỉnh xuống âm 0,1%, Đức đã rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật, khi GDP đi xuống hai quý liên tiếp.
Các nhà kinh tế học dự báo quý II sẽ còn giảm mạnh hơn, do lệnh phong tỏa kéo dài sang tháng 4 và đầu tháng 5. Nhiều lĩnh vực như du lịch hay ẩm thực vẫn đóng cửa.
Dù vậy, kinh tế Đức vẫn còn khá hơn so với các nước láng giềng như Pháp hay Italy. Các nền kinh tế này đã co lại 5,8% và 4,7% trong quý I.
Việc này một phần nhờ 16 bang tại Đức vẫn cho phép các nhà máy và công trường hoạt động. bên cạnh đó, Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel cũng đã tung ra gói giải cứu kỷ lục, trong đó có khoản trợ cấp cho phép các chủ lao động giảm giờ làm của nhân viên để tránh sa thải hàng loạt.
"Mọi thứ sẽ phải tệ hơn trước khi chúng được cải thiện", Carsten Brzeskitại ING cho biết, "Chính xác hơn là số liệu sắp tới sẽ còn tệ hơn nữa, dù điều tệ nhất có lẽ đã qua rồi".
Tháng 3 là thời điểm đại dịch bắt đầu tấn công châu Âu. Italy là nước đầu tiên áp dụng lệnh phong tỏa, sau đó đến các nước khác. Đức bắt đầu đóng cửa nền kinh tế từ giữa tháng 3. Tuy họ không yêu cầu các nhà máy ngừng hoạt động, nhiều công ty vẫn ngừng sản xuất, như trong lĩnh vực ôtô. Chuỗi cung ứng cũng bị gián đoạn.
Số liệu mới nhất cho thấy đơn hàng nhà máy tại Đức giảm 15,6% trong tháng 3 so với tháng trước đó. Sản xuất công nghiệp cũng giảm 9,2%.
Quốc gia này bắt đầu nới lỏng phong tỏa từ ngày 20/4. Nhiều cửa hàng đã mở lại, nhà hàng và nhà máy ôtô cũng đã tái khởi động.
Hà Thu (theo Reuters, ABC)