Tầm hai tháng nữa mới đến ngày tựu trường chính thức của năm học 2019-2020. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn trên thị trường văn phòng phẩm đã sẵn sàng tung chiêu để củng cố thị phần.
Trong hội nghị khách hàng mới đây của Thiên Long Hoàn Cầu, ông Trương Anh Hào - Tổng giám đốc công ty công bố chiến dịch hỗ trợ nhà bán hàng về bảng hiệu, hộp đèn, quầy kệ, vật phẩm trưng bày. Trong đó, hệ thống quầy kệ được thiết kế lại, với sự phân tầng theo ngành hàng, phân biệt rõ nhãn hiệu. Ông cũng không quên nhấn mạnh đến các ưu đãi chiết khấu.
Thiên Long Hoàn Cầu là công ty con chuyên phân phối, với 100% vốn của Thiên Long, một trong hai gương mặt lớn trên thị trường văn phòng phẩm nội địa, với 'Nam' Thiên Long, 'Bắc' Hồng Hà. Trong mùa này, để tận dụng thị hiếu của khách hàng nhí, Thiên Long tiếp tục chiến lược mua quyền sử dụng hình ảnh các nhân vật nổi tiếng.
Bộ sưu tập mới gồm thế giới siêu anh hùng Marvel. Trước đó, công ty này cũng là đối tác duy nhất trong ngành văn phòng phẩm, dụng cụ học sinh được phép sử dụng các hình ảnh bản quyền của Disney, Doraemon.
Trước đó, ở phía Bắc, Hồng Hà vừa thay đổi bộ nhận diện thương hiệu vào cuối tháng 3. Công ty đang từng bước thực hiện tái cơ cấu về chiến lược, nhân sự và thiết bị nhằm bứt phá trong thời gian tới. Hồng Hà đang có mạng lưới phân phối với gần 100 nhà phân phối và trên 10.000 điểm bán lẻ, đặc biệt là khu vực phía Bắc. Còn theo số liệu của Thiên Long, đơn vị này có 65.000 điểm bán trên toàn quốc và xuất khẩu đi 61 nước.
Để tăng tốc, Hồng Hà đặt mục tiêu sản xuất đáp ứng 70% kế hoạch năm 2019 chỉ trong 6 tháng đầu năm. Công ty này xác định và tập trung đầu tư cho 2 động lực tăng trưởng trong giai đoạn 2017-2020 là hoạt động phát triển kênh phân phối và hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Thị trường văn phòng phẩm, đồ dùng học tập tại Việt Nam vẫn đang tăng trưởng đều đặn. Theo báo cáo của Hồng Hà, tổng doanh thu năm 2018 đạt gần 596 tỷ đồng, tăng 14,03 % so với cùng kỳ 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 35 tỷ đồng, tăng 25,36%.
Trong khi đó, với quy mô và hệ thống phân phối lớn hơn, năm 2018, doanh thu thuần hợp nhất của Thiên Long đạt 2.855,8 tỷ đồng tăng 14,3% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao, đạt 294,4 tỷ đồng, tăng 10%.
Sự tích cực của thị trường này cũng đi kèm sự cạnh tranh quyết liệt, 'song mã' Thiên Long và Hồng Hà cũng không rộng đường 'phi nước đại' mà còn có các tên tuổi nội địa khác như Bến Nghé, Hải Tiến, Vĩnh Tiến... Cùng với đó, theo nhận định của Hồng Hà, đang có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ khác cung cấp đồ dùng văn phòng phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nhập khẩu theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc.
Hơn nữa, trong thời gian gần đây, các công ty văn phòng phẩm nổi tiếng thế giới cũng đã và đang xây dựng thương hiệu trên thị trường Việt Nam như Plus, Kokuyo, Maped, Deli. Theo dự báo của các doanh nghiệp trong ngành, trong năm 2019, các hãng văn phòng phẩm từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật, châu Âu sẽ tiếp tục chiến lược xâm nhập và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Song song đó, áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội địa cũng ngày càng lớn. Từ năm 2018, không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp mới gia nhập ngành đã đầu tư lớn cho thị trường. Động thái này cũng khiến các doanh nghiệp lâu năm bắt đầu tái đầu tư, đẩy mạnh triển khai các biện pháp cạnh tranh bằng giá nhằm mục tiêu tăng độ phủ trên thị trường.
Viễn Thông